Trong tháng 9/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 3,06 tỷ USD, giảm 8,15% so với tháng trước và giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn kim ngạch xuất khẩu của da giầy Việt Nam trong tháng 9/2021 ước đạt 920 triệu USD, giảm 8,0% so với tháng 8/2021 và giảm 35,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Về phía người lao động dệt may và da giày, kết quả khảo sát cho thấy trong bối cảnh giãn cách kéo dài, người lao động đã bị những ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, sức khỏe và kinh tế gần như kiệt quệ. Trên 60% người lao động di cư muốn về quê hoặc đã về quê.
Tuy nhiên, phần lớn họ xác định muốn về quê trong một thời gian ngắn để phục hồi sức khỏe và cuộc sống cho bản thân và con cái. 89% người lao động di cư và 96% người lao động địa phương muốn tiếp tục làm việc ở nhà máy hiện tại. Đây sẽ là tín hiệu khả quan cho thấy nếu được hỗ trợ tích cực kịp thời, người lao động sẽ sớm trở lại nhà máy.
Do tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã không thể trụ vững, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, thu nhập và phải đối mặt với nguy cơ nghèo đói.
Chính vì vậy, dệt may, da giày đang đứng trước nguy cơ không thể đạt được mục tiêu xuất khẩu đã đề ra như dự kiến trước đó.
Trong 3 tháng cuối năm 2021, toàn ngành sẽ phải đối diện với vấn đề thiếu lao động trầm trọng do người lao động có xu hướng về quê tránh dịch, chưa quay trở lại làm việc ngay.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, hiện tại, tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát, Chính phủ cũng đã có định hướng chuyển từ trạng thái “không có Covid- 19 sang thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế”.
Để công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các phương án chống dịch linh hoạt song hành cùng phương án sản xuất an toàn, kết hợp cùng các biện pháp hỗ trợ để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc và doanh nghiệp phục hồi sản xuất bền vững.
Vitas kỳ vọng, khi thực hiện sống chung với Covid-19, giữa các địa phương và bộ ngành cần có giải pháp thực sự kinh hoạt, thích ứng với nhau giúp doanh nghiệp mở cửa nhanh nhất, an toàn nhất. Vitas hoan nghênh việc trao quyền cho doanh nghiệp, vì hơn ai hết doanh nghiệp rất lo lắng cho bản thân của chính doanh nghiệp họ.
Nhiều ý kiến kiến nghị, cần đẩy nhanh thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến doanh nghiệp. Gói hỗ trợ đến doanh nghiệp càng nhanh càng tốt, điều này cũng tác động tới niềm tin của người lao động với Chính phủ và chủ doanh nghiệp.
Phương Thảo