Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.595.331 trường hợp, trong đó số ca tử vong là 95.306 người. Trong vòng 24h vừa qua, đã có thêm 6.851 người nữa thiệt mạng và 77.371 người nữa nhiễm virus SARS-CoV-2.
Đến nay, đại dịch COVID-19 đã tấn công 209 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 355.262 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 48.953 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ tiếp tục là “điểm nóng” dịch COVID-19 lớn nhất khi trong 24h qua đều có số ca tử vong và mắc bệnh mới cao nhất thế giới. Cụ thể, ngày 9/4 nước này đã có thêm 1.716 ca tử vong và 28.504 người mắc bệnh mới. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca bệnh nhiều nhất với 463.431 trường hợp, trong khi tổng số ca tử vong đã lên tới 16.504.
New York là bang hứng chịu dịch bệnh nghiêm trọng nhất. Thống đống bang New York Andrew Cuomo cho biết trong vòng 24 giờ qua, New York đã ghi nhận lượng giảm mạnh xuống mức thấp nhất số người người phải nhập viện vì virus SARS-CoV-2, một tín hiệu cho thấy các biện pháp giãn cách đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, ông Cuomo cũng cho biết số người thiệt mạng tại New York đã tăng thêm 799 người so với ngày 8/4, mức tăng lớn nhất trong ba ngày qua, nâng tổng số ca tử vong tại riêng New York tính đến sáng 10/4 là 7.067 người.
Diễn biến đáng chú ý nhất trong cuộc chiến chống COVID-19 ngày 9/4 tại Mỹ đó là việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) tung gói kích thích kinh tế lớn nhằm cứu nền kinh tế số 1 thế giới không “tử vong” vì virus SARS-CoV-2.
FED đã công bố gói biện pháp tài chính tiếp theo trị giá 2.300 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế đầu tàu thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch. Đây được xem là bước đi mang tính đột phá nhất của FED nhằm hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện tại.
Ngân hàng trung ương Mỹ cho biết sẽ cho phép các ngân hàng cung cấp các khoản vay kỳ hạn 4 năm cho các doanh nghiệp có quy mô tới 10.000 nhân viên hoặc có doanh thu không quá 2,5 tỷ USD và sẽ trực tiếp mua trái phiếu của các bang cũng như các hạt và các thành phố đông dân nhằm giúp những nơi này chống chịu tốt hơn trước cuộc khủng hoảng y tế.
Chương trình này sẽ "bơm" tới 500 tỷ USD hỗ trợ những chính quyền địa phương đang ở tuyến đầu chống dịch cũng như chịu doanh thu thuế sụt giảm do thất nghiệp tăng và các hình thức kinh doanh phải đóng cửa vì các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Pháp trong vòng 24h qua ghi nhận số ca tử vong mới nhiều nhất Châu Âu. Tính đến sáng 10/4, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 12.210 người ở Pháp. Trong đó, có 8.044 trường hợp tử vong trong các bệnh viện, với 82% là những người trên 70 tuổi; và 4.166 ca ở các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội.
Lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Pháp, số bệnh nhân trong ngày được đưa vào diện chăm sóc đặc biệt dừng lại ở mức 369 ca, giảm 82 trường hợp trong vòng 24 giờ. Mức giảm này cho thấy Pháp đang dần kiềm chế được dịch bệnh. Hiện Pháp có tổng cộng 117.749 người mắc bệnh, trong khi 31.874 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Bagnolet, Pháp ngày 8/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo giới chức y tế Pháp, các biện pháp chặt chẽ chống dịch COVID-19 ở nước này đang bắt đầu mang lại kết quả. Điều cần thiết đối với người dân hiện nay là tiếp tục tuân thủ nghiêm túc lệnh hạn chế đi lại, dự kiến kéo dài qua thời hạn 15/4 của lần gia hạn thứ nhất.
Trong ngày 9/4, Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo số ca tử vong mới ghi nhận ở nước này là 655 người. Như vậy, đến nay, quốc gia nằm trên bán đảo Iberia này đã xác nhận tổng cộng 15.447 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong ngày tại Tây Ban Nha giảm nhẹ, theo đó tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này hiện là 153.222 ca.
Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố đang dần kiểm soát được dịch bệnh. Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết những số liệu mới nhất "rất đáng khích lệ" và tình hình dịch bệnh tại nước này chuẩn bị bước vào giai đoạn thuyên giảm. Phát biểu tại Quốc hội trước thềm một cuộc bỏ phiếu về việc kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 2 tuần cho tới ngày 26/4, Thủ tướng Pedro Sanchez khẳng định: "Dịch bệnh đã bắt đầu được kiểm soát". Bộ trưởng Y tế Salvador Illa nhận định Tây Ban Nha đã "đạt đỉnh dịch".
Tại Italy, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố Italy có thể bắt đầu nới lỏng dần một số biện pháp hạn chế hiện đang được áp đặt nhằm ngăn chặn COVID-19 trước cuối tháng 4 nếu sự lây lan dịch bệnh tiếp tục chậm lại. Italy hiện ghi nhận 143.626 ca mắc COVID-19 và 18.279 ca tử vong, nhiều nhất thế giới. Ngoài ra, có 3.693 bệnh nhân đang được điều trị tích cực, giảm từ mức 3.792 trong ngày 7/4 - ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận các số liệu giảm dần.
Tuy nhiên, trong ngày 9/4, Italy đã có thêm 4 bác sỹ tử vong vì dịch bệnh COVID-19, nâng tổng số bác sỹ tử vong lên 100 trường hợp. Hiệp hội Bác sỹ Italy (Fnomceo) cho biết số lượng nhân viên y tế tử vong hoặc bị nhiễm COVID-19 của nước này tăng lên mỗi ngày.
Ngoài 100 bác sỹ đã tử vong, Italy cũng ghi nhận 26 y tá đã tử vong và 6.549 y tá nhiễm COVID-19. Tổng số nhân viên y tế của Italy bị nhiễm bệnh lên tới 12.681 trường hợp bao gồm bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, lái xe cứu thương và các nhân viên hỗ trợ.
Chiều 9/4, Thượng viện Italy đã thông qua gói biện pháp kinh tế của chính phủ. Gói biện pháp kinh tế của Chính phủ Italy - mang tên "Cura Italia" (Chăm sóc Italy) - được giới thiệu ngày 16/3 với những quy định nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Tại Anh, nước này tới sáng 10/4 đã ghi nhận tổng cộng 65.077 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.978 ca tử vong, tăng 881 trường hợp so với một ngày trước. Ngày 9/4, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết tình hình sức khỏe của ông Boris Johnson tiếp tục cải thiện sau 4 ngày được điều trị tích cực do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Người phát ngôn trên cho biết sức khỏe của ông Johnson tiếp tục cải thiện và hiện ông có trạng thái tinh thần tốt, không cần phải nằm trong phòng chăm sóc tích cựcnwax. Ông Johnson trước đó đã được điều trị bằng liệu pháp thở oxy và hiện giờ ông không làm việc.
Từ ngày 23/3 vừa qua, Chính phủ Anh đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Dự kiến, Ủy ban Cobra chuyên đối phó với các cuộc khủng hoảng sẽ họp bàn để thảo luận về việc gia hạn các biện pháp này thêm vài tuần nữa.
Nhà chức trách Anh ngày 9/4 đã kêu gọi người dân ở yên tại nhà trong dịp Lễ Phục sinh sắp tới do lo ngại rằng nhu cầu gặp mặt gia đình và bạn bè tăng cao trong dịp lễ này sẽ khiến các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19 bị đổ xuống sông xuống bể.
Anh đang trải qua tuần lễ thứ 3 thực hiện những biện pháp hạn chế ngặt nghèo nhất trong thời bình để đối phó với dịch COVID-19, trong đó người dân được yêu cầu ở nhà và cảnh sát được quyền trừng phạt các trường hợp vi phạm. Trong một tuyên bố mới nhất, người phát ngôn Chính phủ nêu rõ mỗi người dân Anh cần ý thức được vai trò của mình ở thời điểm này và cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và những người thân yêu của mình là hãy ở nhà trong dịp lễ Phục sinh sắp tới.
Trong khi đó, tại Bỉ, Viện Y tế công cộng Sciensano cho biết số bệnh nhân COVID-19 nhập viện đã giảm trong 1 ngày qua. Cụ thể, 459 ca mắc mới phải nhập viện trong khi 483 người được chữa khỏi và xuất viện trong 24 giờ qua. Tổng số bệnh nhân COVID-19 nhập viện kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Bỉ hiện là 5.590 ca, giảm 98 ca so với con số 5.688 ca của ngày 8/4. Tuy nhiên, Bỉ ghi nhận tổng cộng 1.580 ca mắc mới và 283 ca tử vong trong 24 giờ qua, theo đó nâng tổng số ca mắc lên 24.983 ca với 2.523 ca tử vong.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo nước này sẽ đóng cửa biên giới đến ngày 3/5 tới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bênh. Bên cạnh đó, ông Morawiecki cũng cho biết chính phủ sẽ gia hạn các biện pháp đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh đến ngày 19/4 tới, đồng thời hạn chế hoạt động của các trường học, ngành vận tải đường sắt và hàng không thêm 2 tuần nữa.
Tương tự, Chính phủ Phần Lan cùng ngày 9/4 xác nhận sẽ gia hạn thêm 1 tháng đối với đa số các biện pháp hạn chế hoạt động được triển khai trên toàn quốc nhằm đối phó với dịch COVID-19.
Tại Nga, trong vòng một ngày qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.459 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nhiều địa phương, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên thành 10.131 người. Trong số các trường hợp mới ghi nhận, thủ đô Moskva vẫn là địa phương ghi nhận số người nhiễm SARS-CoV-2 đông nhất với 857 trường hợp, đưa tổng số bệnh nhân lên 6.698 trường hợp.
Văn phòng báo chí Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người - Rospotrebnadzor cho biết các phòng thí nghiệm nước này đã thực hiện hơn 1 triệu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ngoài ra, theo cơ quan này, 171.000 người đang được giám sát y tế vì nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2.
Hành khách tới ga tàu hỏa ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 8/4/2020, sau khi rời thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc do lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Ảnh: THX/ TTXVN
Tại châu Á, Trung Quốc trong ngày đã ghi nhận thêm 63 ca nhiễm mới, trong đó có 61 ca từ nước ngoài, và thêm hai ca tử vong tại tỉnh Hồ Bắc. Tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục tính đến ngày 10/4 là 81.865 ca, trong đó có 1.160 người vẫn đang được điều trị, 77.370 người đã xuất viện và 3.335 người tử vong do COVID-19. Hiện vẫn còn 73 người bị nghi nhiễm virus SARS-COV-2, 12.510 người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân đang được theo dõi.
Trong khi đó, tính đến ngày 8/4, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận tổng cộng 960 ca nhiễm và 4 ca tử vong do COVID-19, khu hành chính Macau đã ghi nhận 45 ca nhiễm và Đài Loan (Trung Quốc) có 379 ca nhiễm và 5 ca tử vong. Số người xuất viện sau khi phục hồi tại Hong Kong, Macau, Đài Loan lần lượt là 246 người, 10 người và 67 người.
PV (t/h)