Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.421.669 trường hợp, trong đó số ca tử vong đã lên tới 81.696 người. Trong vòng 24h vừa qua, đã có thêm 7.042 người nữa thiệt mạng và 75.665 người mắc bệnh COVID-19.
Đến 6h00 ngày 8/4, số trường hợp mắc COVID 19 ở Việt Nam là 251, trông đó đã có 122 trường hợp bình phục, tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ là 22.053; số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly là 2.738.
Hết ngày 7/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 14.746 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 672 ca mới.Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 14.746 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2)
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 496 người ở khu vực này, tăng 28 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số người nhiễm bệnh được điều trị thành công tăng mạnh, với 3.954 trường hợp khỏi bệnh.
Indonesia trong 24h qua có số ca mắc COVID-19 mới cao nhất khu vực và số người tử vong đứng thứ 2 trong số các nước thành viên ASEAN. Cụ thể, ngày 7/4, Indonesia ghi nhận thêm 247 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân tại nước này lên 2.738 ca.
Malaysia tiếp tục là quốc gia ASEAN có số ca COVID-19 nhiều nhất. Tới hết ngày 7/4, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 3969 (với 170 ca bệnh mới), và 63 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, trong ngày, nước này chỉ ghi nhận thêm 1 ca tử vong mới.
Tại Lào, chiều 7/4, Bộ Y tế Lào thông báo nước này đã có thêm 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại Lào lên 14 ca. Cục Dịch tễ và sức khỏe, thuộc Bộ Y tế Lào, ra thông báo yêu cầu chấm dứt sử dụng buồng khử trùng di động bằng chlorine đang được các bệnh viện sử dụng, do kết quả nghiên cứu được thực hiện mới ở Trung Quốc cho thấy thiết bị này không hiệu quả, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trong vòng 24h qua, Trung Quốc đã lần đầu ghi nhận không có ca tử vong tại đại lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát, một tín hiệu tích cực trong thời điểm nước này đang nỗ lực ứng phó với nguy cơ dịch bùng phát do các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài.
Chiều 7-4, trong nỗ lực khống chế và ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19, Thủ tướng Shinzo Abe đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp ở bảy tỉnh, thành phố tại Nhật Bản, gồm thủ đô Tokyo cùng với các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh được ban bố ở đất nước “Mặt trời mọc” và sẽ có hiệu lực tới ngày 6-5.
Một trong những điểm tích cực trên toàn cầu là Hàn Quốc, từng là "ổ dịch" nghiêm trọng ngay sau Trung Quốc, ngày 7/4 thông báo số ca nhiễm mới ở mức dưới 50 người ngày thứ 2 liên tiếp, trong khi tỷ lệ khỏi bệnh đạt 65%. Tới nay, Hàn Quốc có tổng cộng 10.331 người mắc COVID-19, song chỉ có 192 ca tử vong.
Anh ghi nhận số ca tử vong kỷ lục trong 24 giờ vì virus corona, với 786 trường hợp, theo Bộ Y tế nước này. Tổng cộng số người chết vì virus corona ở đất nước sương mù lên tới 6.159. Tổng số ca nhiễm là 55.242.
Ngày 7/4, nước Pháp ghi nhận thêm 597 ca tử vong tại các bệnh viện trong 24 giờ, đưa tổng số ca tử vong tại bệnh viện lên trên 7.000 ca. Như vậy, cùng 3.237 ca tử vong trong các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Pháp kể từ ngày 1/3 đã là 10.328 ca. Hiện có 30.000 người nhập viện, trong đó 7.131 ca đang được hồi sức, cấp cứu.
Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới với 393.798 ca nhiễm virus, với 26.794 trường hợp mới trong ngày 7/4. Tới nay, nước này đã ghi nhận 12.697 ca tử vong, trong đó riêng 24h qua 1.826 người thiệt mạng, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 6/4 cho biết có thể sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra một số thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE). Tuy nhiên, FDA cũng lưu ý về việc có một số trở ngại kỹ thuật nếu sử dụng cách thức này.
Theo FDA, các thiết bị bảo vệ cá nhân có thể được tạo ra từ máy in 3D gồm quần áo bảo hộ, găng tay, tấm chắn bảo vệ mặt, kính bảo hộ, khẩu trang và một số vật tư có chức năng ngăn chặn tổn thương hoặc lây nhiễm virus.
Trong lúc đó tại Tây Ban Nha, các dấu hiệu về việc dịch Covid-19 suy giảm vẫn chưa được củng cố. Sau 5 ngày giảm liên tiếp, số ca tử vong tại Tây Ban Nha lại tăng trở lại, với 743 người thiệt mạng mới trong ngày 7/4, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 13.798 ca, cao thứ hai thế giới sau Italia. Tuy nhiên, Tây Ban Nha có số ca nhiễm nhiều hơn Italia, với trên 140.000 ca, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ.
Ở “tâm dịch” châu Âu Italy tình hình đang có diễn biến tốt dần lên. Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, trong ngày 7/4, nước này ghi nhận thêm 3.039 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại quốc gia Nam Âu này lên thành 135.586 trường hợp. Đây là số ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày thấp nhất tại Italy kể từ hôm 19/3.
Cùng ngày, Quốc hội CH Séc cũng thông qua việc kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 30/4, giai đoạn ngắn hơn đề xuất của chính phủ nhằm áp đặt "khung pháp lý đặc biệt" để giải quyết tình hình dịch bệnh trong nước. Trước đó, Chính phủ của Thủ tướng Andrej Babis đã đề xuất kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm một tháng đến 11/5.
Trang Nguyễn