Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn các địa phương lựa chọn những chủ đề du lịch tôn vinh giá trị văn hoá, con người, tự nhiên ở từng vùng miền, tạo nên hệ sinh thái du lịch Việt Nam đa sắc, độc đáo - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn các địa phương lựa chọn những chủ đề du lịch tôn vinh giá trị văn hoá, con người, tự nhiên ở từng vùng miền, tạo nên hệ sinh thái du lịch Việt Nam đa sắc, độc đáo - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Chia sẻ với đông đảo bà con nhân dân, du khách trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là đất nước của vẻ đẹp tiềm ẩn, cuốn hút, với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, kỳ vĩ; truyền thống lịch sử hào hùng; nền văn hóa, ẩm thực phong phú, đa dạng, độc đáo; con người hiền hoà, thân thiện, luôn nở nụ cười cởi mở, thân thiện… Tất cả làm nên sức hút độc đáo, riêng có, mời gọi du khách đến khám phá, trải nghiệm và đem lòng yêu mến.

Thiết lập những giá trị du lịch mới

Tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế đặt ra.

Việt Nam tiếp tục đạt nhiều giải thưởng du lịch thế giới, như: Lần thứ 5 được bình chọn là Điểm đến hàng đầu châu Á, lần thứ 4 được bình chọn là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, lần thứ 2 liên tiếp được bình chọn Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á.

Du lịch Việt Nam tiếp tục được xác định là ngành kinh tế xanh mũi nhọn, cần bắt kịp với xu thế của du lịch thế giới. Đó là hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, đổi mới sáng tạo, gắn với công nghệ cao, chuyển đổi số…

Phó Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã và đang tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách đột phá để phát triển du lịch; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Tiếp tục quan tâm dành nguồn lực công và huy động nguồn lực xã hội để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển không gian văn hóa; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối các địa phương, các điểm đến; kết nối logistics với các ngành dịch vụ khác như vận tải, lưu trú, thương mại, phát triển hạ tầng số, tiện ích số; hướng tới phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.

Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần đưa ra chiến lược, giải pháp, cách tiếp cận riêng dựa trên giá trị, bản sắc riêng có, xây dựng những sản phẩm, thương hiệu du lịch đặc sắc trên cơ sở gìn giữ, tôn tạo vẻ đẹp nguyên bản của thiên nhiên, giá trị, bản sắc cộng đồng… để kéo dài hành trình khám phá, trải nghiệm cho du khách.

Đẩy mạnh liên kết với phương châm "một cung đường, nhiều điểm đến", xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế…

Chương trình khai mạc Năm Du lịch quốc gia Điện Biên mở đầu cho 169 chương trình, sự kiện du lịch hưởng ứng do 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Chương trình khai mạc Năm Du lịch quốc gia Điện Biên mở đầu cho 169 chương trình, sự kiện du lịch hưởng ứng do 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tạo nên hệ sinh thái du lịch Việt Nam đa sắc, độc đáo và cất cánh

Chủ đề Năm du lịch quốc gia 2024 được xây dựng trên âm hưởng hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng với sự kết tinh văn hóa đặc sắc, thiên nhiên hùng vĩ của vùng đất biên cương và hình ảnh hoa ban thể hiện vẻ đẹp đặc trưng của vùng đất Điện Biên với khát vọng hòa bình.

"Vinh quang Điện Biên Phủ" cùng hàng nghìn địa chỉ đỏ trong cả nước không chỉ có ý nghĩa to lớn giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, ý chí quật cường của các thế hệ cha anh đã "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn", mà còn khẳng định giá trị lịch sử vĩ đại đối với phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, là lời nhắc nhở lương tri của nhân loại về hòa bình, độc lập, tự do.

Đến với Điện Biên hôm nay, du khách còn được trải nghiệm sự kỳ vĩ, hoang sơ của núi non trùng điệp, những đỉnh đèo ẩn trong biển mây, những nếp nhà sàn, bản làng thanh bình, những cánh đồng mường trời xanh ngắt, đẹp từ mùa đổ nước đến mùa lúa chín vàng ươm, cùng nhiều lễ hội văn hóa đậm chất huyền sử, đã đi vào thi ca.

Và trên mảnh đất đếm nhịp thời gian theo mùa hoa, cứ mỗi độ tháng 3 về hoa ban, loài hoa với vẻ đẹp tinh khôi vươn lên từ nhọc nhằn, đá núi lại bừng nở, tạo thành những đường chỉ thêu đẹp đẽ trang điểm cho núi rừng Tây Bắc.

Hoa ban đã đi vào tiềm thức, đời sống văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc tụ cư trên miền Tây Bắc như một biểu trưng cho tình yêu bất diệt, thể hiện ước vọng ngàn đời của cộng đồng các dân tộc về hạnh phúc vĩnh cửu.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sáng kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Điện Biên tổ chức Năm Du lịch quốc gia năm 2024 với chủ đề "Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận".

"Các địa phương tích cực hưởng ứng chủ đề của Năm Du lịch quốc gia; đồng thời phát huy tinh thần sáng tạo của Điện Biên trong việc lựa chọn những chủ đề du lịch tôn vinh giá trị văn hoá, con người, tự nhiên ở từng vùng miền, tạo nên hệ sinh thái du lịch Việt Nam đa sắc, độc đáo và cất cánh", Phó Thủ tướng nói.

Hoa ban đã đi vào tiềm thức, đời sống văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc tụ cư trên miền Tây Bắc như một biểu trưng cho tình yêu bất diệt - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Hoa ban đã đi vào tiềm thức, đời sống văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc tụ cư trên miền Tây Bắc như một biểu trưng cho tình yêu bất diệt - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Mỗi người dân cần trở thành một sứ giả về văn hóa

Để đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn của núi rừng Tây Bắc, cũng như những nét văn hóa hoang sơ, mộc mạc, giản dị trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, đưa du lịch Điện Biên thực sự "cất cánh", Phó Thủ tướng đề nghị Điện Biên cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ về quy hoạch, thu hút đầu tư nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp gắn kết với hệ sinh thái du lịch cộng đồng, nhằm khai thác giá trị hấp dẫn của đời sống lao động đầy sắc màu văn hóa.

Tỉnh cần chú trọng xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững. Thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển du lịch dựa vào hệ sinh thái; du lịch khám phá, trải nghiệm. Phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hoá để thúc đẩy kinh tế du lịch, lấy kinh tế du lịch làm nền tảng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá bản địa.

"Mỗi người dân cần trở thành một sứ giả về văn hóa, có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường, cảnh quan bởi đó chính là nguồn sống của hôm nay và mai sau", Phó Thủ tướng mong muốn.

Hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cần được triển khai nhanh chóng để truyền thông, quảng bá hiệu quả du lịch Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung ra thế giới; tạo ra không gian mới cho phát triển du lịch, giảm thiểu tác động đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, các hệ sinh thái, các di sản.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng tham gia điệu xoè Thái tại lễ khai mạc - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng tham gia điệu xoè Thái tại lễ khai mạc - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng đề nghị, Điện Biên đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương, tạo thành chuỗi điểm đến, trong đó Điện Biên Phủ phải là động lực, thu hút du khách đến với các điểm đến trên tuyến và ngược lại.

Tỉnh phải chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch đặc biệt là trang bị kỹ năng, hình thành tư duy làm du lịch chuyên nghiệp cho đồng bào các dân tộc, bởi chính họ làm nên sức hút và sự đặc sắc của du lịch.

Phó Thủ tướng tin tưởng, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; bằng sự năng động, sáng tạo, quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, du lịch Điện Biên sẽ trở thành điểm đến của "lịch sử, thiên nhiên, bản sắc văn hóa hàng đầu Việt Nam và khu vực". Du khách đến với Điện Biên sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình, khám phá những nét đẹp của lịch sử, thiên nhiên, giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Chương trình văn nghệ đặc sắc tại Lễ khai mạc Năm du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 thu hút hàng nghìn người dân, du khách - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Chương trình văn nghệ đặc sắc tại Lễ khai mạc Năm du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 thu hút hàng nghìn người dân, du khách - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Chương trình nghệ thuật tại lễ Khai mạc Năm du lịch quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa ban Điện Biên 2024 có chủ đề "Về miền Hoa ban". Chương trình gồm 3 chương với 19 cảnh diễn đem đến cho người xem vẻ đẹp về thiên nhiên, con người mọi vùng miền trong cả nước.

Trong đó, chương 1 với chủ đề "Điện Biên - miền đất huyền thoại" khắc họa không gian văn hóa đa dạng về vẻ đẹp phong cảnh, truyền thống, lịch sử tâm linh và huyền thoại về các anh hùng giữ nước bảo vệ quê hương; chương 2 có chủ đề "Điện Biên - Du lịch theo những cánh bay", giới thiệu du lịch Việt Nam theo các tuyến du lịch hàng không mà khách du lịch có thể lựa chọn theo những cánh bay tới khắp vùng miền để thưởng thức, trải nghiệm văn hóa, khám phá lịch sử các vùng đất lịch sử; trong đó có du lịch theo những cánh bay về với Điện Biên lịch sử, anh hùng. Chương 3 có chủ đề "Điện Biên - kết nối những mùa hoa" đem đến cho người xem, nhân dân, du khách khắp mọi miền trong nước, thế giới về hình ảnh Điện Biên ngày mới với khát vọng hòa bình, phát triển và kết nối muôn phương cùng nhau gìn giữ thái bình thịnh vượng.

Đặc biệt, sau chương trình nghệ thuật đặc sắc là màn bắn pháo hoa tầm thấp, trình diễn nghệ thuật ánh sáng bằng máy bay không người lái.

Theo Chinhphu.vn