Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Diễn đàn tìm giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển

Ngày 12/06, tại Trung tâm Hội nghị PYTOPIA (ngã tư đường Trần Phú – Hùng Vương, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đã diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Mục đích của Diễn đàn là tìm giải pháp để kinh tế biển phát triển thực sự bền vững.

Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển (KTB) Việt Nam năm 2022 do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ TN&MT và Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức. Tham dự Diễn đàn có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT; Phạm Đại Dương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên; cùng đại biểu lãnh đạo các Bộ, ngành Trưng ương; lãnh đạo các tỉnh duyên hải miền trung; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu…

Quang cảnh Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022.
Quang cảnh Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. (Ảnh: H.Viet)

Theo Ban tổ chức, với đường bờ biển dài đứng thứ 27/158 quốc gia ven biển, đảo quốc trên thế giới, Việt Nam là quốc gia có lợi thế lớn trong phát triển KTB. Theo đó, vùng biển Việt Nam có diện tích rộng, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, đường bờ biển dài trên 3.260 km, có lợi thế rất lớn trong phát triển KTB và giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế. Tiềm năng nổi bật của KTB Việt Nam là nguồn tài nguyên dầu khí, trữ lượng ước tính khoảng 3,0-4,5 tỉ m3 quy dầu quy đổi. Trữ lượng tài nguyên dầu khí đã phát hiện vào khoảng 1,365 tỉ m3 quy dầu, chiếm 30-35% tổng trữ lượng và tiềm năng dầu khí dự báo của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam còn có tiềm năng lớn về giao thông đường thủy, với nhiều vũng vịnh sâu và kín, thuận lợi cho việc xây dựng các cảng nước sâu và cho việc trú ngụ của tàu thuyền.

Bên cạnh đó, biển Việt Nam còn có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2.773 đảo ven bờ với tổng diện tích tự nhiên khoảng 1.720 km2, 02 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa (gồm hơn 200 đảo) và các đối tượng địa lý (187 đảo). Trong số 3.000 hòn đảo có 03 đảo rộng trên 100 km2 là Phú Quốc (558 km2), Cái Bầu (194 km2) và Cát Bà (160 km2)… Với bờ biển dài cùng hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ và hàng trăm bãi tắm cát trắng trải dài từ Bắc vào Nam, nhiều bãi biển, vịnh đẹp nổi tiếng thế giới, Việt Nam có điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo… Cụ thể, theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Việt Nam là quốc gia biển với gần 50% dân số sinh sống ở vùng duyên hải, 28 tỉnh, thành ven biển, kinh tế biển đóng góp 60% tổng GDP. 

Bình Định là một trong những địa phương có thế mạnh để phát triển KTB, nhất là du lịch. Trong ảnh: Một góc thành phố biển Quy Nhơn.
Bình Định là một trong những địa phương có thế mạnh để phát triển KTB, nhất là du lịch. Trong ảnh: Một góc thành phố biển Quy Nhơn. (Ảnh: H-V)

Tuy nhiên, tình hình phát triển KTB của Việt Nam vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, khó khăn. Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển và ven biển ở nhiều nơi còn lãng phí; việc phát triển KTB đi đôi với bảo vệ tài nguyên biển, bảo tồn môi trường sinh thái biển và vùng bờ còn nhiều hạn chế; năng lực khai thác tiềm năng nguồn lợi thủy sản hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững, chưa kiểm soát được hạn mức cấp phép khai thác hải sản cho từng vùng biển dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt dần hải sản ở vùng ven bờ. Các hệ sinh thái ven bờ biển có xu hướng suy giảm nghiêm trọng do tác động của hoạt động kinh tế, xây dựng. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ, vùng cửa sông, vũng, vịnh do hoạt động kinh tế và đời sống xảy ra ở nhiều nơi chưa giải quyết được. Việc thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng chưa đồng bộ, hiệu quả hạn chế. Bên cạnh đó, một số ngành KTB được xác định ưu tiên tạo bước đột phá nhưng phát triển chậm, chưa tương xứng với điều kiện tiềm năng. Kinh tế cảng biển phát triển còn chậm và thiếu hiệu quả…. Nói cách khác, Việt Nam tuy là một quốc gia biển, song đến nay vẫn chưa phải là quốc gia mạnh về biển.

Tại Diễn đàn, lãnh đạo Ban Kinh tế trung ương, Bộ TN&MT và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà kinh tế đã trình bày các tham luận, qua đó chỉ ra những hạn chế,  tồn tại, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần phát triển KTB bền vững.

Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ: “Mục tiêu tổng quát là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”. Vì vậy, cần đánh giá kết quả và hạn chế trong phát triển KTB, trong đó có 6 ngành kinh tế biển chủ đạo: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và tài nguôn khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Đồng thời, các địa phương cần tổng hợp phân tích những thuận lợi, hạn chế khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết 36, kiến nghị và đề xuất với Trung ương những giải pháp thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW trong thời gian tới.

Còn Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân thì ý kiến: Nghị quyết số 36-NQ/TW đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta trong xu thế phát triển chung toàn cầu. Để phát triển bền vững KTB Việt Nam, trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý cho nền KTB bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững KTB, thúc đẩy thu hút và huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành KTB mới, như: Điện gió ngoài khơi, nuôi biển xa bờ; Tăng cường điều tra cơ bản tập trung thăm dò, tìm kiếm các loại khoáng sản, kim loại chiến lược… Đồng thời, Bộ TN&MT sẽ triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển KTB, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh…./.

Viết Hiền

Bài liên quan

Tin mới

Công bố quyết định thành lập 2 Đảng bộ Khối, chỉ định Bí thư Đảng ủy
Công bố quyết định thành lập 2 Đảng bộ Khối, chỉ định Bí thư Đảng ủy

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức công bố quyết định của Tỉnh ủy thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh.

Các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo
Các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự án Luật Nhà giáo, trong đó quy định rõ về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

Đề xuất quy định kiểm tra chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ thu nhận từ tàu bay không người lái
Đề xuất quy định kiểm tra chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ thu nhận từ tàu bay không người lái

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2018/TT-BTNMT ngày 15/11/2018 quy định về kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Phó Thủ tướng chỉ đạo triển khai xây dựng một số đề án của Chính phủ trình Quốc hội
Phó Thủ tướng chỉ đạo triển khai xây dựng một số đề án của Chính phủ trình Quốc hội

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 218/TB-VPCP ngày 14/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc triển khai xây dựng một số đề án của Chính phủ trình Quốc hội.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tham gia Đoàn thanh tra liên ngành, công bố quyết định thanh tra thị trường vàng trong tuần này
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ tham gia Đoàn thanh tra liên ngành, công bố quyết định thanh tra thị trường vàng trong tuần này

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành. Trong tuần này Ngân hàng Nhà nước phải công bố quyết định thanh tra hoạt động kinh doanh vàng.

Thanh Hóa xây dựng mô hình “Bản sáng vùng biên”
Thanh Hóa xây dựng mô hình “Bản sáng vùng biên”

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch xây dựng mô hình “Bản sáng vùng biên” ở khu vực biên giới.