Năm 2020, dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) được lập tăng khoảng 7,2% so với năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số nhóm thu lớn dù không đạt, song thấp hơn không nhiều so với dự toán. Đến ngày 31/12/2020, tổng thu NSNN trong cân đối đạt 1.507,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán (giảm khoảng 31,9 nghìn tỷ đồng so với dự toán).
Theo phân cấp quản lý, thu NSTW bằng khoảng 90%, giảm khoảng 89 nghìn tỷ đồng so dự toán; thu NSĐP đạt 108,6%, vượt 56,8 nghìn tỷ đồng so dự toán. Kết quả này có thể coi là thành công của ngành Tài chính trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm mạnh vì dịch bệnh.
Mặc dù, thu NSNN gặp nhiều khó khăn song để đối phó với dịch bệnh, nhiều khoản chi lại tăng lên như: Chi chế độ đặc thù đối với những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và những người phải cách ly tập trung; chính sách hỗ trợ cho người dân chịu tác động lớn bởi dịch bệnh; cơ chế đảm bảo kinh phí và bố trí nguồn ngân sách trung ương để bổ sung cho các bộ, địa phương để phòng chống dịch. Ngân sách nhà nước đã chi khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Dù nguồn thu ngân sách sụt giảm, song nhờ chủ động trong điều hành nên cân đối ngân sách trung ương và ngân sách của các địa phương vẫn được đảm bảo. Đồng thời, để đảm bảo nguồn cân đối ngân sách trong bối cảnh lãi suất vay giảm, Bộ Tài chính đã phát hành được gần 290 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp hơn nhiều giai đoạn trước.
Tính đến ngày 31/12/2020, các nhiệm vụ chi thường xuyên đã thực hiện xong theo dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách. Việc chấp hành chi thường xuyên khá sát với dự toán, ước tổng chi cân đối NSNN thực hiện cả năm 2020 đạt 1.068,5 nghìn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế-xã hội.
Theo PGS. TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, trong năm 2021 cần kịp thời điều chỉnh chính sách trước bối cảnh dịch bệnh là giải pháp quan trọng, thiết thực giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh khó khăn, theo ông Cường, càng cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý thu thuế, chống thất thu thuế; tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế; triển khai các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ đọng và hạn chế phát sinh số nợ thuế mới cần đặc biệt được quan tâm.
Ngoài ra, ông Cường cho rằng cần lập dự toán NSNN theo nguyên tắc thận trọng phù hợp với những thay đổi dự kiến của tình hình kinh tế, nhất là biến động về tăng trưởng GDP, ngoại thương và giá cả. Việc lập dự toán ngân sách năm 2020 dựa trên nền thực hiện quá cao của năm 2019 cũng dẫn đến những khó khăn nhất định khi thực hiện. Cần theo đuổi nguyên tắc lường thu mà chi trong lập dự toán.
Trong bối cảnh bất thường của dịch bệnh Covid-19, cần có những giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, nhanh chóng, kể cả vượt ngoài khuôn khổ thông thường. Việc chủ động nâng mức bội chi NSNN năm 2020 nhằm đối phó khủng hoảng là cần thiết để tạo ra nguồn lực cho việc thực thi chính sách. Tuy nhiên, các giải pháp tình thế chỉ nên có tính chất ngắn hạn, việc duy trì tính kỷ luật và bền vững của cân đối ngân sách dài hạn luôn phải được tôn trọng.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các biện pháp chủ động, quyết liệt và tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu từ NSNN, phối hợp các bộ ngành và địa phương trong lập và chấp hành dự toán chi đầu tư. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công cần tiếp tục được thực hiện để phù hợp hơn với điều kiện thực thi chính sách ở Việt Nam. Việc quy định rõ ràng về trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và phân cấp quản lý chi đầu tư chính luôn là hết sức cần thiết.
Bảo Lâm