Theo ông đâu là những tồn tại và vướng mắc trong công tác chống hàng giả, hàng nhái và cách giải quyết?
- Trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, những nỗ lực của lực lượng Quản lý thị trường đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương và các địa phương ghi nhận.
Lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên phối hợp với các ngành, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, chống sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, chống các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm, chống các hành vi gian lận thương mại. Hàng năm, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra và xử lý hàng ngàn vụ vi phạm về hàng giả.
Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường trả lời phóng viên.
Trong quá trình hoạt động, lực lượng Quản lý thị trường ngày càng khẳng định vai trò của mình trong công tác đấu tranh chống hàng giả, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần phát triển sản xuất và hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, lực lượng Quản lý thị trường vẫn còn gặp phải những khó khăn vướng mắc. Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi và gắn với tệ nạn tham nhũng của không ít cán bộ có quyền, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế. Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc với nhiều chủng loại được bày bán công khai,...
Đặc biệt, hệ thống văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa thống nhất gây khó khăn cho các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ. Cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật, chế tài xử lý phải đủ răn đe, phòng ngừa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Để xử lý một cách căn bản tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả chắc chắn cần tiếp tục thực hiện với nhiều nỗ lực và sự quyết tâm cao, cùng với đó là các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của xã hội.
Xây dựng một thương hiệu đã khó nhưng bảo vệ và phát triển thương hiệu đó dường như còn khó hơn. Ông nhìn nhận thực tế này ra sao tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
- Hiện nay, một số doanh nghiệp đã quan tâm đến việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu mà trước tiên là đăng ký sở hữu đối với thương hiệu của mình. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhận thức đúng về vấn đề thương hiệu do đó còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng, giữ gìn uy tín và hình ảnh thương hiệu cũng như phát triển thương hiệu.
Một vấn đề đáng chú ý là, tình trạng xâm phạm bản quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu cũng tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều vụ sản xuất, buôn bán nhập khẩu… hàng nhái, hàng giả, nhãn hiệu đã bị phát hiện và được xử lý, nhưng tệ nạn này vẫn chưa được đẩy lùi.
Trên thị trường, cứ sản phẩm nào có uy tín, thương hiệu đều bị làm giả. Vấn đề này khiến những doanh nghiệp có sản phẩm tốt đều lo sợ. Để bảo vệ các thương hiệu, các sản phẩm uy tín, doanh nghiệp phải tăng cường công tác đấu tranh, phát hiện, phòng chống, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ cho chính mình. Các doanh nghiệp cần đấu tranh kiên quyết và thượng tôn pháp luật phải đặt lên đầu.
Doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả cần có thông tin về sản phẩm, cách phân biệt hàng giả và hàng thật, nơi mua hàng uy tín đến người tiêu dùng. Doanh nghiệp cần công khai thông tin khi sản phẩm của mình bị làm giả, đây không chỉ là bảo vệ người tiêu dùng mà còn bảo vệ thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không công khai thông tin, sẽ rất khó trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả.
Thay vì chỉ tập trung vào quảng bá thương hiệu và sản phẩm, doanh nghiệp cần phải tăng cường công tác bảo vệ thương hiệu. Doanh nghiệp nên có một bộ phận có quỹ riêng chuyên trách lo bảo vệ thương hiệu của mình, đồng thời áp dụng các giải pháp chống giả nhằm hạn chế tối đa người tiêu dùng nhầm lẫn giữa hàng thật và hàng giả kém chất lượng khiến uy tín doanh ngiệp và thương hiệu đó bị tổn hại. Nếu doanh nghiệp thực hiện được như vậy thì tôi tin chắc rằng thương hiệu đó sẽ thành công.
- Xin cảm ơn ông!
Nếu có bất cứ thông tin về hàng thật - hàng giả, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi qua địa chỉ:
Ban 389 - Báo Thương hiệu & Công luận.
Tòa Soạn: số 12TT Bộ Tư Pháp, P.Quan Hoa - Q.Cầu Giấy - Hà Nội.
Hotline: 0973.269.389
Email: chuyendong389.thcl@gmail.com
Hà Trần