Giàu có, nhưng họ có tinh thần yêu nước
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 -1918), số lượng doanh nhân Hà Nội tăng dần và hình thành giai cấp tư sản dân tộc.
Họ tham gia sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực: Bạch Thái Bưởi, kinh doanh vận tải đường sông, khai khoáng và đóng tàu; Ngô Tử Hạ, Vũ Đình Long, Nguyễn Văn Vĩnh in ấn; Trịnh Đình Kính đồ thủy tinh, sản phẩm mang nhãn hiệu Thanh Đức; Trần Văn Thành, gạch ngói xây dựng, sản phẩm nhãn hiệu Hưng Ký; Cự Doanh, chuyên các sản phẩm dệt kim; Trịnh Văn Bô chuyên các sản phẩm lụa...
Đội ngũ doanh nhân Hà Nội ra đời trong điều kiện không thuận lợi, tại Việt Nam, phải cạnh tranh với giới kinh doanh Pháp, thương nhân Hoa kiều và các công ty mại bản có từ cuối thế kỷ XIX đã lớn mạnh vào đầu thế kỷ XX. Họ lại càng phát đạt qua chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1907 - 1914) và lần thứ hai (1919 - 1928) của Chính phủ Pháp.
Song, các nhà tư sản dân tộc của Hà thành trở thành DN, không chỉ có tiếng ở trong nước, mà trên toàn cõi Đông Dương. Thủy tinh Thanh Đức, không chỉ tiêu thụ khắp Đông Dương, mà còn XK sang Algérie, Tuynidi và Maroc. Gạch ngói Hưng Ký, nổi tiếng trên toàn cõi Đông Dương, đủ sức cạnh tranh với gạch Satic của Pháp và có mặt trong cả các công trình tại Singapore.
Tiếng tăm của Cự Doanh còn vang tới tận Madagascar (châu Phi) khi sản phẩm dệt kim Cự Doanh XK sang xứ sở này. Doanh nhân Ngô Tử Hạ - trở thành một trong 300 doanh nhân "có máu mặt" ở Đông Dương. Quảng Hưng Long, được đánh giá là công ty XNK lớn nhất Bắc Kỳ, có vai trò quan trọng trong XK của Hà Nội. Chính những doanh nhân này đã hình thành nên giai cấp tư sản Thủ đô.
Giàu có, nhưng họ có tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc mong muốn nước nhà độc lập thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp.
Những năm 1932 - 1945, ông Đỗ Đình Thiện đã tham gia các hoạt động yêu nước như phong trào Mặt trận bình dân, ủng hộ tiền cho báo Lao động (Le Travail), tuyên truyền vận động đưa người của Đảng Cộng sản Việt Nam vào Viện Dân biểu.
Năm 1943, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vượt ngục ở nhà tù Sơn La, bắt liên lạc với vợ chồng ông bà Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền tại nhà riêng ở số 54 Hàng Gai (Hà Nội), được ông bà giúp cho 3 vạn đồng Đông Dương. Đầu năm 1945, ông bà lại nhờ ông Vũ Đình Huỳnh chuyển tới ông Nguyễn Lương Bằng 10 vạn đồng.
Đầu những năm 1940, ngôi nhà số 54 Hàng Gai trở thành "nhà khách" của các nhà cách mạng. Ngày 1/9/1945, ông bà Đỗ Đình Thiện đã giúp 10 triệu đồng để Chính phủ mới chi dùng. Trong "Tuần lễ Vàng", gia đình ông Đỗ Đình Thiện đóng góp 100 lạng vàng.
Khi toàn quốc kháng chiến, đồn điền Chi Nê (nay là xã Cổ Nghĩa, Lạc Thủy, Hòa Bình) của ông bà đã trở thành điểm dừng chân cho một số đơn vị bộ đội trên đường vào Nam chiến đấu. Riêng vụ lúa thu 1946 - 1947, ông bà ủng hộ Vệ quốc đoàn Chiến khu II 200 tấn thóc để nuôi quân. Ông bà Thiện đã mua lại Nhà in To-panh rồi hiến cho Chính phủ.
Tờ giấy bạc 100 đồng Việt Nam (còn gọi là tờ bạc "con trâu xanh") được in tại đồn điền Chi Nê khi nhà máy in chuyển lên đây. Sau này, ông bà Đỗ Đình Thiện còn ủng hộ một nửa cổ phần để thành lập Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng quốc gia Việt Nam).
Ngày 23/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến thôn Gạ (nay là phường Phú Thượng, Tây Hồ), nghỉ ở đây 1 ngày. Hôm sau, Người được Trung ương và Thành ủy bố trí đến ở tại gác 2 số nhà 48 Hàng Ngang của gia đình ông Trịnh Văn Bô.
Để bảo đảm bí mật, vợ ông Bô là bà Hoàng Thị Minh Hồ đã trực tiếp chăm sóc Bác Hồ. Chính tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau này, ông bà Trịnh Văn Bô đã hiến tặng ngôi nhà cho Nhà nước và hiện nhà 48 Hàng Ngang trở thành Di tích Lịch sử - Văn hóa cách mạng.
Không chỉ góp phần làm rạng rỡ nền thương nghiệp nước nhà, Nhà máy Gạch Hưng Ký (Phúc Yên - nay thuộc huyện Sóc Sơn) của doanh nhân Trần Văn Thành còn là nơi Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập vào tháng 8/1929.
Bà Vương Thị Lai, ở tuổi 28 đã góa chồng nhưng tự tay gây dựng cơ nghiệp của mình bằng nghề buôn bán tơ lụa. Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền mới ra đời gặp phải muôn vàn khó khăn, bà đã mang tài sản mà mình có được nhờ lao động với mồ hôi, nước mắt để ủng hộ cách mạng. Bà đã đóng góp 109 lạng vàng cho cách mạng trong "Tuần lễ Vàng" đầu tiên ở Hà Nội, mặc dù hai con đang học tập tại Pháp, nhưng bà vẫn cống hiến cả gia tài cho cách mạng.
Trước tình cảm của bà với cách mạng, ngày 10/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng bà Vương Thị Lai chiếc huy chương hình ngôi sao bằng vàng. Đây là tấm huy chương đặc biệt - quà tặng của Việt kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi biếu Bác…
Vị “mạnh thường quân” của cách mạng
Doanh nhân Ngô Tử Hạ sinh năm 1882, là con người vợ lẽ của một nông dân nghèo khó, đi khẩn hoang ở miền đất ven biển Qui Hậu (Kim Sơn, Ninh Bình). Ông lấy vợ sớm, rồi chẳng may vợ mất. Mới 17 tuổi, ông đã phải nuôi 2 đứa con côi.
Sau đó, vì nghèo đói, ông tìm đường ra Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Lúc đầu, ông Ngô Tử Hạ làm thợ cho Nhà in IDEO của Pháp, tuy vất vả, nhưng ông vẫn kiên nhẫn làm.
Vài năm sau, ông đã dành dụm được một số tiền đủ để mua được một chiếc máy in vỏ thẻ hương, tự mình làm một cửa hàng in, rồi về quê đón 2 con lên Hà Nội.
Rồi ông gặp được một bà góa trẻ tuổi, chưa có con song có một khoản vốn liếng kha khá. Hai người kết hôn, ông có thêm lưng vốn để làm ăn.
Lúc đầu, ông Ngô Tử Hạ phải đi thuê cơ sở đặt máy, lập nhà in. Nhưng khi công việc kinh doanh đã gặt hái được những thành công nhất định, ông quyết định mua hẳn một khu đất rộng bên đường phố Lý Quốc Sư, gần đền thờ Lý Triều Quốc sư, lại gần Nhà thờ lớn Hà Nội để xây dựng nhà in. Nhà in Ngô Tử Hạ lại được trang bị nhiều máy in, chất lượng lại hiện đại bậc nhất thời ấy, thợ in đông, giải quyết chóng vánh, chất lượng các hợp đồng in ấn. Uy tín của nhà in Ngô Tử Hạ ngày càng được khẳng định với khách hàng trong ngoài nước.
Không chỉ kinh doanh giỏi, ông còn là một người sớm giác ngộ cách mạng, giàu lòng yêu nước. Thời đó, ông Hạ được đánh giá là một trong 300 nhà tư sản “máu mặt” xứ Đông Dương. Trước cách mạng, ông được xem là “mạnh thường quân” của các trí thức yêu nước muốn in ấn sách báo. Nhà in của ông cũng ủng hộ Việt Minh hàng tạ chữ chì để in truyền đơn phục vụ Cách mạng Tháng Tám.
Ông Ngô Tử Hạ đã hiến cho Nhà nước một lượng tài sản khổng lồ: Nhà số 24-48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện (diện tích 2.251 m2), nhà số 60 Nguyễn Du (diện tích 1.095 m2), nhà số 8 Lý Quốc Sư (diện tích 84 m2), nhà số 4 ngõ 339 Thịnh Yên (diện tích 2.210 m2), nhà số 31 Hàng Bông (diện tích 182 m2). Gia đình chỉ giữ lại 200 m2 ở số nhà 24-48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện để ở và sau này làm nơi thờ tự. Những giọt mực cuối cùng ở nhà in Ngô Tử Hạ, đã cho dùng để in những đồng bạc đầu tiên của Chính phủ cụ Hồ, trước khi nhà in bị quân Pháp đốt cháy trong đêm Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946.
Ông Hạ còn được nhân dân tỉnh Ninh Bình, quê cũ bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa I khi đã 64 tuổi (đại biểu cao tuổi nhất). Tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I (2/3/1946), ông được suy tôn Chủ tịch đại hội đồng, Chủ tọa kỳ họp Quốc hội, ông trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Quốc hội...
Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, ông Hạ được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rồi tham gia Ủy ban Liên lạc những người công giáo Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình.
Đến trước khi mất, ông Ngô Tử Hạ là Thứ trưởng Bộ Thương binh-Cựu binh (sau này là Bộ LĐ-TB&XH).
Động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô
Tự hào những thành quả, sự đóng góp to lớn của cộng đồng DN, doanh nhân vào sự phát triển chung của Thủ đô, suốt những năm qua, cộng đồng DN Hà Nội, trong đó có DNNVV đã không ngừng phát triển, đổi mới và hội nhập.
Thành phố không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian, giảm chi phí cho DN như duy trì 100% hồ sơ đăng ký thành lập DN qua mạng; hải quan điện tử đạt 100%; khai thuế qua mạng đạt 98,4%; nộp thuế điện tử đạt 97,6%; rà soát, đơn giản hóa 430 thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, thành phố đã ban hành các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của cả nước, nơi kết nối các nguồn lực của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng.
Khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô. Các DN đã đóng góp nguồn vốn lớn cho phát triển KT-XH của Thủ đô. Tỷ trọng đầu tư xã hội đã dịch chuyển mạnh mẽ từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước. Với nguồn lực đó, kinh tế Thủ đô đã đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của cả nước.
Đội ngũ DNNVV của thành phố ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Nhiều doanh nhân đã thể hiện rõ phẩm chất, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam hiện đại: Năng động, sáng tạo, chủ động hội nhập, khẳng định vị thế, đảm bảo kinh doanh ổn định, phát triển; đồng thời, luôn có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, đồng hành cùng thành phố trong các chương trình an sinh xã hội.
Bên cạnh sự phát triển về sản xuất, kinh doanh, các DN Hà Nội luôn chú trọng xây dựng văn hóa DN, doanh nhân, làm theo lời Bác.
Theo nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân và các DN hội viên nhằm tôn vinh và ghi nhận những thành tích xuất sắc của các doanh nhân Thủ đô, kể từ năm 2020, Hiệp hội DN Hà Nội (HBA) sẽ tổ chức bình chọn và trao giải thưởng cho các doanh nhân tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Giải thưởng mang tên “Giải thưởng Doanh nhân Thăng Long” - sẽ được trao tặng trong chương trình Gala Doanh nhân Thăng Long hàng năm.
Phó chủ tịch VCCI, Chủ tịch HBA, TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết:
“Để thực hiện được điều này, chúng tôi mong muốn nhận được sự lãnh đạo trực tiếp của UBND TP. Hà Nội và cũng đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp cùng với HBA trong công tác đánh giá, bình chọn và tổ chức trao tặng "Giải thưởng Doanh nhân Thăng Long” cho các doanh nhân tiêu biểu của Thủ đô.
Chúng tôi cũng tin tưởng sâu sắc rằng, đội ngũ doanh nhân Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động, sáng tạo xứng đáng là động lực quan trọng trong công cuộc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô yêu quý của chúng ta ngày càng giàu đẹp”.
Khi vị thế của đội ngũ DN, doanh nhân Thủ đô ngày càng được khẳng định là lực lượng tiên phong, thì những đóng góp của họ vào quy mô phát triển của nền kinh tế, sẽ tạo ra hàng triệu việc làm. Cùng với đó, việc DN, doanh nhân Thủ đô tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, đền ơn, đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo... sẽ ngày càng có giá trị - tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ hơn.
HBA kỳ vọng, hoạt động của và các DN hội viên sẽ ngày càng có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ, mang lại hiệu quả tích cực. Các DN hội viên HBA đang từng bước nâng cao uy tín, chất lượng thương hiệu sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu DN; tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị ngành hàng và các chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của DN Thủ đô trên trường quốc tế.
Nếu như cụ Lương Văn Can vạch ra 10 nguyên nhân khiến các DN Việt Nam không phát triển được, thì chính những doanh nhân như trên đã lấp đầy những khiếm khuyết đó bằng những tôn chỉ nghiêm túc trên thương trường: Thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hóa...
Xuân Phong