Xin ông cho biết thực trạng của doanh nghiệp (DN) đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh?
Sau 02 năm dịch Covid, chưa kịp hồi phục, cộng đồng DN tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức chưa từng có: Lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế, sức tiêu dùng suy giảm;rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ; giá chi phí sản xuất, kinh doanh tăng cao; chính sách tiền tệ thắt chặt… đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng.
Tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh, dù có nhiều điểm sang; song hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, thị trường XK và đơn hàng sụt giảm; nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai; một số dự án sản xuất tạo động lực mới cho ngành công nghiệp chậm đưa vào hoạt động, đã tác động rất lớn đến tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, nhất là tác động trực tiếp đến khả năng hoàn thành các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thu NSNN và giá trị XK.
Trong 9 tháng năm 2023, thu NSNN của tỉnh ước đạt 7.551 tỷ đồng (bằng 76% dự toán, bằng 58% so chỉ tiêu phấn đấu và giảm 18,3% so cùng kỳ 2022). Mặc dù, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn cao hơn so bình quân cả nước (ước trên 4%), song vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đề ra.
Có 527 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.626,3 tỷ đồng (giảm 15,4% về lượng và giảm 33,7% về vốn so cùng kỳ 2022); số hoạt động trở lại 274 DN (giảm 140 DN); số đăng ký tạm ngưng hoạt động 459 DN (tăng 13 DN); giải thể tự nguyện 94 DN (tăng 8 DN); giải thể theo quyết định thu hồi 184 DN (tăng 181 DN).
Như vậy, số DN rút khỏi thị trường đã cao hơn số đăng ký thành lập - một tỷ lệ không bình thường, cho thấy số DN Thừa Thiên-Huế tồn tại không nhiều. Một bộ phận lớn DN chưa kịp “lớn” đã ra đi…
Trước thực trạng đó, Hiệp hội DN tỉnh Thừa Thiên-Huế có những giải pháp, kiến nghị gì với địa phương?
Trong bối cảnh chung đó, đặc biệt là trong điều kiện Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh đang nổ lực phấn đấu để xây dựng Thừa Thiên Huế - sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo NQ số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, để tiếp tục phát huy hơn nữa vị trí,vai trò của DN, doanh nhân trong phát triển KT-XH, Hiệp hội đưa ra 06 đề nghị.
Một là, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của DN, doanh nhân, tạo sự chuyển biến tích cực từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến việc đồng hành cùngDN, doanh nhân; thực sự coi đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh - sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững của kinh tế tỉnh.
Hai là, Hiện nay, sốDN lớn trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, điều đó cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh còn rất hạn chế, chưa hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường. Số liệu từ Sách trắng DN năm 2022 - do Bộ KH&ĐT công bố cho thấy, các thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh dự kiến trở thành các thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021- 2030 (theo QĐ số 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và các tỉnh trong khu vực Bình Trị Thiên để thấy tỷ lệ DN trên dân số:
Các thành phố trực thuộc Trung ương: HCM 62 DN/1.000 lao động; Hà Nội 50 DN/1.000 lao động; Đà Nẵng 45,4DN/1.000 lao động; Hải Phòng 22 DN/1.000 lao động; Cần Thơ 18,4 DN/1.000 lao động.
Các tỉnh dự kiến trở thành các thành phố trực thuộc Trung ương: Bắc Ninh 19,5DN/1.000 lao động; Khánh Hòa 19,3 DN/1.000 lao động
Các tỉnh trong khu vực Bình Trị Thiên: Quảng Bình 12,7DN/1.000 lao động; Quảng Trị 10,6 DN/1.000 lao động…
Trong khi đó, Thừa Thiên Huế chỉ với tỷ lệ 9,2 DN/1.000 lao động, thấp nhất trong các khu vực nêu trên - con số đáng báo động, để chúng ta cần có cách nhìn đầy đủ về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp cần xây dựng và ban hành các nghị quyết, chương trình hành động mới, đồng thời có kế hoạch xây dựng và phát triển cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân, lớn mạnh về số lượng, chất lượng và đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 15.000 DN.
Trong đó, cần chú ý nhóm chính sách hỗ trợ chung như hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với DN ngành công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; hỗ trợ sử dụng các dịch vụ tư vấn; đăng ký thành lập DN miễn phí; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý…
Ba là, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả, ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà, phục vụ tốt cho người dân, DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh;
Tiếp tục hỗ trợ DN khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó chú trọng nâng cao năng lực quản trị, mở rộng thị trường, áp dụng KH-KT và CNTT để nâng cao năng suất lao động; tạo điều kiện để các DN trên địa bàn tỉnh tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình, tiếp cận về vốn, tài chính, chính sách, mặt bằng... xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Bốn là,tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của DN, nắm tình hình hoạt động, phát triển của DN để thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn;đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN.
UBND tỉnh, các sở, ngành và các địa phương cần tăng cường hỗ trợ tối đa cho DN phát triển; coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho DN là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu - giúp phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh.
Năm là, làm tốt công tác tuyên dương, khen thưởng doanh nhân, DN tiêu biểu hàng năm đối với các DN, doanh nhân kinh doanh giỏi, thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và phát triển DN.
Sáu là, kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Chính phủ hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thuế TNDN cho các DN trong các KCN, CCN để tập trung nguồn lực cho việc duy trì hoạt động, tạo việc làm cho người lao động; giảm các hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo từ các cơ quan, ban, ngành để DN có thời gian tập trung đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Vậy, Hiệp hội có những đề xuất gì đối với các DN?
Hiệp hội DN Thừa Thiên Huế luôn không ngừng đổi mới hoạt động, vị thế ngày càng được nâng cao.Nhằm mục tiêu “Xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới’’,Hiệp hội mong muốn, cộng đồng DN, doanh nhân tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ chủ yếu:
Trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và văn hóa, đạo đức người kinh doanh; hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước;
Thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sỹ đi đầu trên mặt trận phát triển KT-XH, tăng cường kết nối, nâng cao trình độ quản trị DN, mở rộng tìm kiếm thị trường ngoài tỉnh và quốc tế;
Chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa DN, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN;
Bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, đầu tư cho ứng dụng KH&CN, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao;
Tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, luôn đồng hành cùng tỉnh nhà, nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, đạt được thành tựu mới góp phần thúc đẩy KT-XH tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển…
Trân trọng cảm ơn ông!
Trần Minh Tích(Thực hiện)