Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong
Nòng cốt phát triển kinh tế
Đội ngũ doanh nhân Việt ngày càng đông đảo và trưởng thành, có tinh thần yêu nước, tự tôn và tự hào dân tộc, ngày càng nâng cao bản lĩnh thương trường và trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh và quan tâm nhiều hơn đến xây dựng thương hiệu và văn hóa DN. Nhiều doanh nhân thành đạt và đã tự tin đứng vào hàng ngũ các tỷ phú trên thế giới.
Dù có sức vươn mạnh mẽ, bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế, với đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh…, song cộng đồng DN tư nhân Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ, còn nhiều hạn chế về trình độ công nghệ, tài chính, quản trị và năng lực đổi mới; về chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh; về khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu…
Theo tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị TW 5 khóa XII, lần đầu tiên ở Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) được đặt ngang hàng với các khu vực kinh tế nhà nước để trở thành nòng cốt trong nhiệm vụ phát triển kinh tế đối ngoại và xây dựng nền kinh tế quốc gia độc lập, tự chủ hội nhập sâu, đầy đủ với quốc tế; trở thành động lực quan trọng, là “đầu kéo chính” cho quá trình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giải phóng sức sản xuất, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.
Việt Nam phấn đấu để có trên 1 triệu DN vào năm 2020, đạt 1,5 triệu DN vào năm 2025 và 2 triệu DN vào 2030, đồng thời nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN lên tới 60 - 65% GDP.
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bình quân giai đoạn 2016 - 2025, năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của DN tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, trong đó có nhiều DN trưởng thành và phát triển, vươn ra tầm khu vực và thế giới, tăng cường các chuỗi liên kết với nhau vào với các khu vực DN khác, chủ động tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.
Tiếp tục đổi mới tư duy
Để đạt được mục tiêu đó, Đảng và Nhà nước đang và sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, đột phá toàn diện thể chế và tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cần thiết, tạo môi trường thuận lợi cao nhất, theo cơ chế thị trường, với sự hỗ trợ và quản lý nhà nước thích hợp, để phát triển cộng đồng DN đa dạng, lành mạnh và đúng định hướng, với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Nhà nước khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNVV, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình DN; khuyến khích hình thành các tập đoàn KTTN đa sở hữu; khuyến khích tư nhân góp vốn vào các tập đoàn KTNN, tham gia góp vốn, mua cổ phần của các DNNN khi cổ phần hoá hoặc thoái vốn.
Các hoạt động quản lý nhà nước đối với DN cần tuân thủ nguyên tắc, cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế; giảm nhẹ gánh nặng chi phí về thể chế, tài chính và chi phí vốn, đảm bảo sự bình đẳng về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của DN trong sự cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật và nguyên tắc thị trường; xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới, chuyển từ mục đích "quản chặt" sang "hỗ trợ” DN bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn..., chứ không theo từng DN, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu;
Đẩy mạnh cải cách hành chính theo yêu cầu thống nhất, đơn giản hóa và hiện đại hóa các quy trình, thủ tục, công nghệ và tiêu chuẩn quản lý KT-XH tiếp cận với yêu cầu và trình độ quốc tế nhằm bảo vệ có hiệu quả lợi ích Nhà nước, lợi ích DN và người lao động; phát triển các dịch vụ tư vấn, thông tin và dự báo thị trường, hỗ trợ kinh doanh; giảm thiểu cho khu vực DN các gánh nặng thể chế, tài chính và tín dụng trong đầu tư mở rộng thị trường trong nước và hỗ trợ các DN tư nhân đầu tư ra nước ngoài. Xây dựng văn hóa DN, văn hóa kinh doanh và văn hóa quản lý, thúc đẩy tinh thần tự trọng, tự tôn và tự hào dân tộc, gắn kết và hợp tác cộng đồng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, kiểm soát độc quyền và hạn chế các hiện tượng tiêu cực trốn lậu thuế, làm hàng giả trong sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, minh bạch và đề cao quy chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu đơn vị quản lý nhà nước đối với DN; thường xuyên phát hiện, xử lý, loại bỏ kịp thời những cán bộ tham nhũng, suy thoái đạo đức, vô trách nhiệm, mất uy tín và trở thành lực cản phát triển của DN và đất nước, kiên quyết chống những biểu hiện tham nhũng trong công tác cán bộ. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính.
Đặc biệt, đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ, ngoài việc thực hiện tốt những nội dung hỗ trợ DN theo Luật số 04/2017/QH14 ngày 12-6-2017 về hỗ trợ DNNVV sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, cần chú ý hỗ trợ hỗ trợ các hộ gia đình chuyển thành DN; khuyến khích các DN thực hiện các hoạt động M&A và hợp nhất thành công ty cổ phần, công ty có quy mô lớn, tham gia các chuỗi liên kết và trở thành vệ tinh của các tập đoàn DN lớn.
Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng một số danh mục sản phẩm, lĩnh vực phù hợp tạo riêng “sân chơi” cho các DN loại này, theo kinh nghiệm của Ấn Độ.
Các bên bình đẳng - “cùng thắng”
Tùy từng điều kiện địa phương cụ thể, khuyến khích dùng NSNN hoặc tài trợ từ các quỹ, tập đoàn lớn để đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ, cơ sở ươm tạo và khu làm việc chung, thiết lập một số quỹ đặc thù và đường dây nóng tư vấn cho DN khởi nghiệp sáng tạo; Tôn vinh DN có thành tích, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển KT-XH của địa phương …
Bên cạnh đó, bản thân DN cũng cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, đúng cam kết, đúng tiến độ, thực tâm hình thành mối quan hệ bình đẳng, “cùng thắng” với các bên trong chuỗi liên kết khép kín; có trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa, vượt qua mọi rào cản kỹ thuật quốc gia và quốc tế, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững.
Công cuộc đổi mới toàn diện và chủ động hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy một lần nữa, tạo động lực mới cho phát triển DN trên tinh thần kiến tạo, giải phóng sức sáng tạo và phát huy toàn diện vai trò, tạo cơ hội cho DN, nhà đầu tư có sự lựa chọn, chủ động đổi mới, thích ứng và tập trung vào phản ứng nhanh nhạy, đáp ứng hiệu quả các tín hiệu thị trường trong nước và nước ngoài;
Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo ra những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có thương hiệu quốc gia đại diện tiêu biểu, góp phần hình thành nên một diện mạo mới cả về kinh tế và vị thế trên thị trường quốc tế của Việt Nam trong những thập niên tới…
Quá trình xóa bỏ những thể chế kìm hãm DN, điều chỉnh những thể chế làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực DN, lấp đầy những “khoảng trống” cần thiết để hỗ trợ DN phát triển lành mạnh, hiệu quả đã, đang và sẽ cho phép từng bước định hình một tầm nhìn mới, một thực tiễn mới và mở ra triển vọng phát triển mới với nhiều thay đổi về chất đối với vai trò, vị thế và cách thức tổ chức mới của cộng đồng DN trong toàn bộ đời sống KT-XH Việt Nam thời kỳ chuyển mình hội nhập cùng thế giới, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
TS. Nguyễn Minh Phong