Nghị quyết 86 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành nêu rõ TP.HCM phấn đấu kiểm soát dịch trước ngày 15/9. Ngay sau đó, nhiều doanh nghiệp đã xác định khả năng phải kéo dài điều kiện sản xuất, kinh doanh đặc biệt hơn 1 tháng nữa. Dù vậy, đã gần 1 tháng từ khi TP.Hồ Chí Minháp dụng mô hình sản xuất "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến" "3 tại chỗ" trong môi trường nhà máy trở nên khá áp lực đối với doanh nghiệp.
Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp trong khu đã tận dụng không gian trống trong công ty để xây khu lưu trú cho nhân viên nhằm duy trì sản xuất. "Chi phí phát sinh từ "3 tại chỗ" rất lớn cộng thêm tâm lý người lao động không ổn định khiến việc kéo dài đến sau ngày 16-8 là thách thức lớn" - bà Loan nhìn nhận và cho biết thêm trước thực tế đó, các doanh nghiệp kiến nghị thành phố cần có phương án thay thế "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 điểm đến" theo hướng cho phép người lao động được đi làm từ nhà, doanh nghiệp được thay thế lao động để tăng quy mô sản xuất.
Từ thực tế này, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được đề xuất của một số doanh nghiệp về phương án sản xuất an toàn.
Cụ thể, Chi hội doanh nghiệp Khu Công nghệ cao (SBA) đề xuất cho hai doanh nghiệp là Intel Products Việt Nam và Datalogic Việt Nam được thí điểm cho phép người lao động đi làm từ nhà trong khoảng thời gian từ 16 đến 30/8. Trước mắt bắt đầu bằng nhóm nhỏ từ người lao động thuộc đối tượng thí điểm sẽ ký cam kết chỉ di chuyển giữa nhà và công ty, tuân thủ 5K cũng như các yêu cầu phòng dịch của địa phương khi ở nhà. Người lao động đồng thời ký cam kết những người sống chung (nếu có) cũng không rời khỏi nơi cư trú trong suốt thời gian người lao động tham gia phương án đi làm từ nhà và họ cũng sẽ được xét nghiệm tại nhà, chi phí xét nghiệm do doanh nghiệp chi trả.
Doanh nghiệp cũng cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch như bảo đảm có xe công ty đến đón, trả người lao động tại nhà hoặc các điểm đón gần nhà nhất; duy trì việc xét nghiệm 2 lần trong 5 ngày đầu, sau đó là 2 lần/7 ngày trong tuần tiếp theo; có khu vực làm việc riêng cho nhóm thí điểm này trong 2 tuần đầu, sau đó mới làm việc chung với các nhóm còn lại. Người lao động sẽ phải cài ứng dụng do Khu Công nghệ cao chỉ định trong lúc đi - về hoặc một hình thức kiểm soát kỷ luật đi đường tương đương.
Cũng thuộc nhóm doanh nghiệp chịu nhiều áp lực khi phải thực hiện "3 tại chỗ", các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đang động viên nhau chung tay vượt khó thêm một thời gian nữa. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, cho hay hội đã liên tục cập nhật tình hình cũng như kiến nghị thành phố, các bộ ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động. "3 tại chỗ" là giải pháp cần thiết để ngăn ngừa dịch bệnh tấn công khâu sản xuất. Đến lúc này, sau hơn 3 tuần thực hiện với rất nhiều lần xét nghiệm sàng lọc, doanh nghiệp đã xác định được mình "xanh" hay vẫn còn ca bệnh, tỉ lệ "xanh" được bao nhiêu phần trăm.
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất First Solar tại Khu công nghiệp Đông Nam (Củ Chi) thì cho rằng giải pháp tốt nhất là thành phố trao quyền cho doanh nghiệp tự quản lý, tự chịu trách nhiệm nếu để dịch lây lan. Theo đó, những doanh nghiệp nào cam kết bảo đảm điều kiện an toàn phòng chống dịch thì được hoạt động và chịu trách nhiệm, chủ động chọn và triển khai giải pháp sản xuất an toàn thay vì bắt buộc "3 tại chỗ".
Ngày 12/8, Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc phòng, chống Covid-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Bộ Y tế cho biết từ ngày 27/5, Bộ đã có các hướng dẫn phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó nêu rõ: "Trên cơ sở hướng dẫn này và diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chính quyền các cấp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp và đảm bảo an toàn sản xuất".
Trong đợt dịch tại Bắc Giang và Bắc Ninh, mô hình sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường hai điểm đến" được áp dụng thành công. Tuy nhiên, khi áp dụng phương thức này tại một số tỉnh phía Nam lại không hiệu quả. Theo Bộ Y tế, nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan.
Do vậy, để các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất kinh doanh, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị tự xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống dịch trên hướng dẫn chung của Bộ Y tế và phù hợp tình hình dịch tại địa phương.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Tâm An