Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Quỹ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các hoạt động: cho vay, tài trợ vốn và hỗ trợ tăng cường năng lực. Đối tượng hỗ trợ của Quỹ là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực: Khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và tham gia chuỗi giá trị.
Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là việc doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn của Quỹ với mức lãi suất ưu đãi luôn thấp hơn các ngân hàng thương mại Nhà nước và được giữ cố định hoặc giảm nếu chính sách thay đổi trong suốt thời gian vay. Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn: 1,2%/năm, lãi suất cho vay trung hạn: 4,4%/năm, lãi suất cho vay dài hạn: 4,4%/năm.
Mức cho vay lãi tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Tổng mức cho vay đối với một doanh nghiệp nhỏ và vừa không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.
Hiện Quỹ đã ký hợp đồng khung hoạt động cho vay gián tiếp với 6 ngân hàng: BIDV, MBBank, SHB, Sacombank, Bắc Á Bank, HDBank và dự kiến tiếp tục mở rộng thêm với một số ngân hàng thương mại khác.
Bà Thuỷ thông tin: "Thời hạn vay không quá 7 năm, thời gian ân hạn tối đa 2 năm (đối với trung và dài hạn). Đồng thời, doanh nghiệp được chủ động trả nợ trước hạn và được miễn phí trả nợ trước hạn",
Dù quy trình hướng dẫn vay rất rõ ràng, song bà Trần Thanh Thuỷ, Trưởng phòng Hỗ trợ doanh nghiệp Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chỉ ra một số vướng mắc trong quá trình doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn của Quỹ.
Theo đó, một số doanh nghiệp đã từ chối vay vốn gián tiếp do e ngại việc chia sẻ thông tin với bên thứ 3. Ngoài ra là các vướng mắc trong việc cung cấp hồ sơ vay vốn: Báo cáo tài chính, chứng từ nộp bảo hiểm xã hội, vay đầu tư máy móc thiết bị yêu cầu hồ sơ pháp lý nhà xưởng nơi đặt thiết bị, báo cáo đánh giá tác động môi trường…
"Nếu không có chứng từ nộp bảo hiểm xã hội cho công nhân, Quỹ sẽ không duyệt hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp" bà Thuỷ nhấn mạnh.
Cũng về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Dũng, Giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP SHB (một trong sáu ngân hàng, tham gia hoạt động cho vay gián tiếp từ Quỹ) cũng đã chỉ ra một số lý do khiến doanh nghiệp "e ngại" khi tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Do hồ sơ vay vốn phải đáp ứng việc thẩm định từ ngân hàng và Quỹ trong khi doanh nghiệp muốn nhanh chóng muốn tiếp cận vốn nên đã từ chối tham gia vay từ Quỹ", ông Dũng cho biết.
Cùng với đó trong quá trình thẩm định, các ngân hàng thường cung cấp báo cáo tài chính nội bộ thay vì báo cáo tài chính gửi cơ quan quản lý thuế. Trong khi, báo cáo tài chính gửi cơ quan thuế là yêu cầu tiên quyết khi tiếp cận vốn vay từ Quỹ.
Ông Dũng đề xuất Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa phối hợp với ngân hàng đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng. Cũng như quy định khoảng thời gian tương đối cụ thể thông báo kết quả khi gửi hồ sơ cho ngân hàng và Quỹ để doanh nghiệp có phương án tài chính…
Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, với mục tiêu phối hợp của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội trong thời gian tới sẽ đa dạng hơn nữa các dịch vụ tài chính, kênh hỗ trợ ưu đãi, mở thêm cơ hội hiện thực hóa các khoản vay để doanh nghiệp có thể triển khai một cách hiệu quả nhất.
Đồng thời, khẳng định sẵn sàng tham gia cũng như cam kết thực hiện tốt nhất những hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tương lai. Ông Mạc Quốc Anh khẳng định Hiệp hội sẽ đồng hành và nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thu Trang (t/h)