Doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn
Xuất khẩu tháng 10 năm 2022 cao hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất nhập khẩu có thể vượt cao hơn nhiều so với năm ngoái và tiếp tục có xuất siêu. Mức tăng trưởng cao hơn gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước tính đặt 312,8 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.
Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhiều khó khăn mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải đối mặt.
Hoạt động sản xuất bị rơi vào thế bất lợi khi đồng USD tăng giá do nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đặc biệt là các ngành dệt may, điện tử, da giày, nhựa… đều phải nhập khẩu. Khả năng cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam so với các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh,,, cũng giảm do sự mất giá của đồng VND so với USD.
Do tác động tiêu cực của lạm phát cao, các đơn đợt hàng từ phía nhập khẩu có xu hướng giảm, đặc biệt là trong các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc…
Lượng hàng tồn kho tại các hệ thống bán lẻ ở mức cao cũng khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy giảm.
Chỉ tính riêng ngành dệt may, triển vọng đơn hàng quý IV/2022 và 06 tháng đầu năm 2023 không mấy khả quan. Số đơn đặt hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25-50% so với quý II cùng năm. Doanh thu cũng giảm 15-20% so với cùng kỳ theo ước tính. Nguyên nhân do sự lo ngại lạm phát và lượng tồn kho ở thị trường nhập khẩu còn cao.
Chuỗi cung ứng, đặc biệt là cung ứng nguyên nhiên vật liệu vẫn có nguy cơ gián đoạn. Dù đã giảm nhưng giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ vẫn ở mức cao. Ccas quốc gia tăng cường việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, tiếp tục xu hướng bảo hộ mậu dịch để bảo vệ sản xuất trong nước.
Đa số các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu vốn, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn nên việc phục hồi và mở rộng sản xuất bị ảnh hưởng.
Giải pháp từ Bộ Công Thương
Hiện Bộ Công Thương đã và đang tìm - đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm sự hài hòa, bền vững của cán cân thương mại.
Bộ Công Thương tập trung hướng dẫn doanh nghiệp chuyển hướng sang tiếp cận thị trường các nước Châu Á bởi ít bị ảnh hưởng lạm phát hơn. Cần đa dạng hóa thị trường chứ không phụ thuộc và thị trường truyền thống. Đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng lương thực trong bối cảnh các nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước, các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, phân bón, hóa chất, thép…
Cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu qua đa kênh: hệ thống Thương vụ, thương mại điện tử xuyên quốc gia đồng thời hỗ trợ thông tin thị trường tháo gỡ các rào cản để đa dạng hóa thị trường thúc đẩy xuất khẩu. Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn liền với xây dựng thương hiệu. Cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.
Thay vì chỉ chú trọng vào thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp cũng nên tập trung phát triển để tiêu thụ hàng hóa vào thị trường trong nước, giúp ổn định sản xuất cho cả doanh nghiệp và việc làm cho người lao động.
Tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, tạo cầu nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Chủ động, linh hoạt điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường theo diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường.
Để nắm bắt tình hình, xử lý và tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu ngành hàng thì việc phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng cũng là điều không thể thiếu.
Hồng Nhung (t/h)