Chủ tịch VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc
Theo ông, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến cộng đồng doanh nghiệp như thế nào?
Là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam đứng trước những tác động lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu. Lực lượng chủ công giữ vai trò duy trì SXKD trong đại dịch và tái cấu trúc để phục hồi và phát triển sau đại dịch chính là đội ngũ doanh nhân - những “thuyền trưởng” đang đứng mũi chịu sào trước gần 800.000 DN và trên 5 triệu hộ kinh doanh trong cả nước.
Dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của DN. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui này lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Kết quả khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua, tác động của đại dịch đối với hoạt động SXKD của doanh nghiệp là khá nghiêm trọng.
Có tới gần 85% doanh nghiệp cho biết, dịch bệnh đã khiến thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp; gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh; trên 40% doanh nghiệp lên tiếng, đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu; 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm; 82% doanh nghiệp cho rằng, doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so 2019; 30% doanh nghiệp dự báo, có thể tụt giảm tới 30 - 50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%...
Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ có gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng; 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm; trên 75% số doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hệ lụy của nó sẽ là hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới.
Hầu hết các doanh nghiệp đã tích cực và chủ động triển khai các biện pháp chống dịch tại nơi làm việc theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền các địa phương, đồng thời nỗ lực cao nhất để duy trì hoạt động SXKD.
“Nhiệm vụ kép” - đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp. 73% số doanh nghiệp đã kịp thời hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Các doanh nghiệp nhìn chung đã chủ động, sáng tạo, đưa ra các giải pháp phù hợp, kịp thời trong sử dụng lao động. Trên 60% doanh nghiệp đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, 46% doanh nghiệp không cắt giảm lao động, nhưng giảm giờ làm, 42% doanh nghiệp tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực, 41% doanh nghiệp tổ chức làm việc tại nhà. Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% doanh nghiệp đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động. Đó là những ứng sử linh hoạt đầy trách nhiệm.
Vậy theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để ứng phó với tác động của dịch bệnh?
Các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, phải tự cứu mình, tiếp tục phát huy sáng kiến, giải pháp để tiếp tục trụ vững và phát triển.
Doanh nghiệp cần thực hiện tái cấu trúc. Đây là lúc cần tập trung xem xét các điều kiện để đổi mới tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, cơ cấu lại thị trường, tổ chức lao động để tăng hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh.
Nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số và hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp.
Thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, giảm giá thành. Đây là biện pháp có hiệu quả và có thể làm ngay để đối mặt khó khăn về nguồn cung và thị trường tiêu thụ, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Cần rà soát lại toàn bộ chi phí và thực hiện cắt giảm các chi phí đến mức tối đa.
Đào tạo và đào tạo lại nhân viên để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển trong hiện tại và tương lai; xây dựng hệ thống trả lương linh hoạt (có thể thấp hơn mức tối thiểu vùng trong thời gian dịch bệnh).
Tăng cường liên kết thông qua các chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng và địa phương, phát triển thị trường nội bộ và hợp tác với nhau vươn ra thị trường thế giới.
Chuẩn bị tích cực các nền tảng cho giai đoạn phát triển bền vững sau đại dịch. Nền tảng quan trọng nhất là ý chí và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân.
Dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của DN
Những kiến nghị của VCCI nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh?
Trên cơ sở tập hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, ngày 25/2, VCCI đã có Công văn số 0210/PTM-PTDN gửi lên Thủ tướng Chính phủ phản ánh những khó khăn của DN, kiến nghị các giải pháp dài hạn và đề xuất 12 giải pháp ngắn hạn có tính chất cấp bách, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành khác.
Cộng đồng doanh nghiệp vui mừng đón nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Thủ tướng, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương để các giải pháp hỗ trợ DN bước đầu đi vào thực tiễn.
Ngày 6/4, Chủ tịch VCCI tiếp tục gửi công văn, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể như sau.
Trừ một số ngành/lĩnh vực phải tạm thời đóng cửa, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành bình thường với điều kiện tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, để DN có thể tự cứu mình, duy trì SXKD, bảo đảm việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bớt đi gánh nặng trợ cấp của Nhà nước.
Kiến nghị Chính phủ: Bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông các hàng hóa dịch vụ này, phục vụ đời sống nhân dân, ngay cả trong trường hợp cần siết chặt hơn các biện pháp cách ly, phong tỏa.
Đề nghị Bộ Y tế có kịch bản hoặc quy định rõ ràng cho các DN, nhất là các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp trong KCN… để hướng dẫn xử lý và cách ly khi có người lao động hay khách hàng đến giao dịch bị nhiễm Covid-19 - tránh việc phải đóng cửa toàn bộ KCN, doanh nghiệp khi không cần thiết.
Đề nghị giãn thời gian thực hiện các TTHC liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài do điều kiện dịch bệnh, không thể vào Việt Nam để hoàn thành các thủ tục đúng thời gian theo yêu cầu quy định.
Cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, BHXH, phí công đoàn; giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế đất cho các doanh nghiệp.
Có mức giảm sâu thêm từ 2 - 3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4 - 5% đối với khoản vay VND và 2 - 3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau. Xem xét nới lỏng các tiêu chí cho phép cung cấp các khoản vay bình thường và các khoản vay lãi suất thấp
Đề nghị tạm dừng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động vào quỹ công đoàn, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020.
Kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% trước mắt cho năm 2020...
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Nguyễn Kiên (Thực hiện)