Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN và Hàn Quốc có hiệu lực, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và Hàn Quốc nói chung, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá với Hàn Quốc nói riêng, đã đưa hoạt động thương mại hai chiều lên một tầm cao mới.
Cụ thể: Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh Thanh Hoá sang thị trường Hàn Quốc đạt 270,6 triệu USD, chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, gấp 3,4 lần so với năm 2015. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang thị trường này đạt 123,2 triệu USD tăng 5,2% so với cùng kỳ.
Theo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 112 doanh nghiệp có quan hệ hợp tác xuất khẩu sang Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu trung bình đạt khoảng 250 - 270 triệu USD/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là may mặc, giày dép, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, đá ốp lát...
Theo các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, với quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên cùng nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết, dư địa hợp tác xuất khẩu từ thị trường Thanh Hóa sang Hàn Quốc còn rất lớn.
Điển hình như theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh thì ngoài các sản phẩm truyền thống, còn có tới hàng trăm sản phẩm nông sản khác đủ tiêu chuẩn và “rộng cửa” tiêu thụ tại Hàn Quốc, như: Dưa lưới, dưa chuột, dưa vàng, nước mắm, cá khô xé sợi, cà phê, đặc biệt là các loại dược liệu như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, tổ yến...
Để xúc tiến và tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Thanh Hóa - Hàn Quốc, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Công Thương làm đầu mối để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc trong các hoạt động thương mại. Các hoạt động mà Sở Công Thương đang hướng tới là làm tốt công tác cung cấp, cập nhật thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng Hàn Quốc cho các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Cùng với đó, đơn vị sẽ khảo sát, thông tin về khả năng cung cấp hàng hóa có chất lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn thương mại quốc tế của các doanh nghiệp Thanh Hóa cho các đối tác Hàn Quốc.
Mới đây, vào ngày 25/8/2023, tại khách sạn Central (TP. Thanh Hoá), tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức Diễn đàn gặp gỡ, kết nối giữa các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá với các nhà nhập khẩu Hàn Quốc.
Cùng với đó, nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, quy mô cấp quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, nổi bật là Hội nghị gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc với chủ đề “Hội tụ nguồn nhân lực, đẩy nhanh phục hồi và phát triển bền vững” đã được tổ chức tại TP. Sầm Sơn vào tháng 3/2022.
Nhiều hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Hàn Quốc đã và đang tiếp tục được tỉnh Thanh Hóa ưu tiên thực hiện trong chương trình đối ngoại và xúc tiến hằng năm của tỉnh.
Trong quan hệ hợp tác đầu tư, tỉnh Thanh Hóa hiện có 42 dự án từ nhà đầu tư Hàn Quốc và liên danh Hàn Quốc - Nhật Bản (chiếm 27,8% tổng số các dự án FDI của tỉnh Thanh Hóa), với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3,1 tỷ USD (chiếm 21% tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh).
Nhiều dự án FDI khác từ Hàn Quốc đã đi vào hoạt động hiệu quả tại tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã viện trợ cho tỉnh Thanh Hóa 5 dự án ODA, với tổng nguồn vốn hơn 135 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, phát triển đô thị và đã đem lại hiệu quả thiết thực, đóng góp quan trọng vào phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa.
Riêng với lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, mặc dù còn gặp khó khăn cả về sản phẩm đầu ra và nguyên liệu đầu vào, nhưng nắm bắt cơ hội phát triển thị trường và khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, quan hệ thương mại giữa tỉnh Thanh Hoá và Hàn Quốc đã đạt được những kết khả quan.
Lê Nam