THCL Bằng tấm lòng nhân ái, suốt một đời đau đáu với nỗi lo dang dở học hành của sinh viên (SV), doanh nhân Phạm Văn Bên- Giám đốc DNTN Cỏ May đã đầu tư 42 tỷ đồng xây dựng ký túc xá (KTX) miễn phí cùng với mỗi năm chi từ 15- 20 tỷ đồng để bao học phí và giúp đỡ cho SV học tập đang là câu truyện cổ tích về lòng nhân ái trong dư luận những ngày qua.
Từ tuổi thơ vất vả
Khi được hỏi có rất nhiều cách thể hiện thiện tâm đối với xã hội, tại sao ông lại chọn dự án xây KTX dành cho SV nghèo ở miễn phí, ông Bên cho biết: “Tôi đã ấp ủ ý tưởng xây KTX từ lâu, nó được hình thành từ nhiều yếu tố. Thời niên thiếu, tôi sống dưới tỉnh, thi trượt tú tài nên rất hối hận vì đã làm buồn lòng cha mẹ, tự hứa phải quyết tâm phải học lại để thi nhưng không xin tiền cha mẹ mà sẽ tự đi làm kiếm tiền để học. Chính vì thế, tôi lên Sài Gòn, ban đầu làm công nhân, vừa làm vừa học rất vất vả. Có lúc làm bốc vác rồi làm trong lò bánh mỳ, đặc điểm của lò bánh mỳ là làm đêm nên đêm nào cũng phải thức trắng đêm làm bánh để sáng đi giao hàng khiến tôi thiếu ngủ, thân thể tiều tụy”.
Nhấp ngụm trà, ông Bên tiếp tục chia sẻ về thời niên thiếu cơ cực của mình: Sau đó, nhờ một cơ duyên, tôi được vào ở cô nhi viện Quách Thị Trang. Đó là một cơ hội quý giá vì vào cô nhi viện được đi học, không mất tiền ăn, tiền ở. Câu chuyện đó là một dấu ấn hết sức lớn lao đối với thời niên thiếu. Tôi tự cảm thấy mình nợ đời rất nhiều vì được ăn cơm của những tấm lòng nhân ái. Sau này, khi biết được những hoàn cảnh nghèo, không có tiền đi học, tôi thấy xót xa nên thường hay giúp đỡ họ. Thế nhưng, cách làm từ thiện trước giờ chỉ giúp chữa cháy cho một vài cá nhân nào đó, không giải quyết được căn cơ vấn đề của họ nên tôi mới nghĩ ra việc xây dựng KTX với kỳ vọng sẽ giúp một số người an tâm học hành, tu dưỡng nhân cách, có tâm, có tài.
Đến dự án “độc nhất vô nhị”
Tuy nhiên, “Mãi tới năm 2012, tôi mới đủ điều kiện để thực hiện ý tưởng. Ban đầu săn lùng khắp TP Hồ Chí Minh, dự kiến mua khoảng 5.000m2 đất để xây dựng KTX. Ai ngờ gặp lúc thị trường bất động sản khó mua, trầy trật hoài hết miếng này tới miếng khác, mất hơn 1 năm trời không mua được. Vào một buổi tối, buồn quá tôi mới gọi điện cho thầy Tuân là giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, mục đích là tìm người chia sẻ. Sáng hôm sau, thầy Hiệu phó nhà trường (do thầy Tuân giới thiệu) điện cho tôi nói trường còn đất trống để xây dựng KTX nên rất vui được góp đất trong việc hợp tác. Câu chuyện giữa tôi và ĐH Nông Lâm bắt đầu từ đó”, vị Doanh nhân này chia sẻ.
Đây được coi là dự án “độc nhất vô nhị” dành cho SV, tính tới thời điểm này. Cái “độc” thể hiện ở chỗ ĐH Nông Lâm góp đất với diện tích 2.600m2 để xây một KTX 5 tầng, 54 phòng, sức chứa 432 sinh viên. Tổng chi phí cho xây dựng khoảng 42 tỷ đồng, mỗi năm Cỏ May còn chi thêm 15- 20 tỷ đồng cho việc quản lý KTX và chi phí học tập, đào tạo của các em. Dự kiến sau khoảng 10 tháng, KTX sẽ đi vào hoạt động để kịp phục vụ khóa học 2016- 2017.
Được biết, việc tuyển chọn sẽ không có ranh giới địa lý, không phân biệt học trường nào, khoa nào, có hai tiêu chí để tuyển dụng: Học lực tuyển từ trên xuống và gia cảnh tuyển từ dưới lên. Ngoài việc học chuyên môn ở trường, nhà đầu tư chú trọng đến đào tạo về nhân cách, tạo môi trường giáo dục tốt ngay trong KTX. Khi mới tuyển chọn SV vào ở KTX chưa thể biết được nhân cách của SV, nhân cách ban đầu đơn giản chỉ là tuân thủ các Nội quy, sau đó, KTX sẽ đặt ra các kỷ luật riêng, ai không đạt sẽ bị loại. Đồng thời, hàng năm sẽ căn cứ vào kết quả học tập và nhân cách để xét tuyển, nếu SV sa sút sẽ có những chế tài. Ví dụ: Năm đầu bao toàn bộ tiền học phí, nếu sau một năm học lực không đạt hoặc vi phạm về mặt đạo đức sẽ cắt giảm học phí 20%, trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đưa ra khỏi KTX.
Thực tế, người có tài thì dễ tìm vì sẽ tuyển lựa những SV con nhà nghèo học giỏi, nhưng cái khó là để đào tạo thành những con người có tài, có đạo đức tốt là một vấn đề không đơn giản. Để làm được việc đó, ngoài việc bao trọn gói học phí và chi phí sinh hoạt cho SV ông Bên cho rằng: Sẽ mời thầy về đào tạo vi tính, Anh văn và dạy các kỹ năng mềm khác như: Thuyết trình trước công chúng, kỹ năng giao tiếp, dạy đàn, hát, khiêu vũ… để bảo đảm sau 4 năm ra trường họ sẽ là những SV ưu tú và lịch lãm. Mục đích cuối cùng là sinh viên ở KTX Cỏ May sẽ không phải cầm hồ sơ, phong bì tiền đi xin việc mà các nhà tuyển dụng tự tìm đến. Phải làm được điều đó thì SV ra trường đi làm việc mới có cái tâm tốt, chứ nếu để họ rơi vào cảnh cầm phong bì tiền đi xin việc làm thì sẽ rất khó khăn để trở thành người tốt.
Với dự án KTX này, ông Bên đặt toàn tâm toàn ý đầu tư cho SV nên điều ông ngại nhất là các em nghĩ rằng “ông Bên làm KTX mục đích để PR cho DN Cỏ May thì hỏng bét”, vì vậy, ông rất hạn chế truyền thông. Tuy nhiên, ‘cuối cùng vẫn phải làm truyền thông vì ngay việc tuyển chọn đầu vào rất cần phổ biến rộng rãi để Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh nắm thông tin, biết em nào có hoàn cảnh nghèo học giỏi, khuyến khích về Sài Gòn thi đại học sẽ có cơ hội được ở KTX. Kể cả khi SV ra trường cũng phải làm truyền thông rộng rãi giúp các nhà tuyển dụng tìm tới” Giám đốc cỏ may nhìn nhận.
Tự lực để tránh sự hoài nghi
Khi biết thông tin về dự án hết sức ý nghĩa của Cỏ May, một số người đã có nhã ý đóng góp cả về vật chất và công sức nhưng ông đều từ chối để khỏi ai xét lét. Bởi lẽ, theo ông thì: Một là, mình có thể tự trang trải kinh phí; Hai là, tránh sự xét lét của xã hội, sự xét lét không khéo dẫn tới những thông tin lệch lạc, ảnh hưởng tới tâm lý SV. Ba là, một số quan hệ tế nhi do KTX được đầu tư và môi trường sống và học tập của SV bài bản sẽ có sức hút sinh viên. Trường Nông Lâm góp đất nên được ưu đãi 20% số suất, những suất ưu đãi cũng được lựa chọn nghiêm ngặt. 80% còn lại sẽ tuyển từ bên ngoài. Ngay từ năm đầu tiên, việc tuyển chọn rất nghiêm túc đúng mục tiêu.
Chia tay chúng tôi, vị doanh nhân nhắn nhủ: “Việc làm của chúng tôi hết sức khiêm tốn so với nhu cầu của xã hội nhưng kỳ vọng các nhà hảo tâm, các DN rồi sẽ nhân ra nhiều mô hình này để xã hội có thêm nhiều KTX miễn phí cho SV”.
Ngay cả việc đặt tên, trường ĐH Nông Lâm muốn đặt là KTX Cỏ May để tri ân chủ đầu tư nhưng ông không chịu. Ông nói cứ đặt tên là khu A, khu B cũng được bởi vì đã làm việc thiện không cần nghĩ tới chuyện tri ân. Thế rồi, các thầy nói nhiều quá, với lại các KTX tại đây đã được mang tên các loài hoa như Cẩm Tú, Mimosa… Cỏ May cũng là tên một loài cỏ nên việc đặt tên ấy cũng là hợp lý. |
Hoàng Phương