Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng Tư và 04 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng Tư khá sôi động, khi đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái của những năm trước dịch Covid-19 do hiệu quả của chính sách mở cửa du lịch từ 15/03/2022 chuẩn bị cho SEA Games 31 tổ chức vào tháng Năm năm nay.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tư ước đạt 455,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Tính chung 04 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.777,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,2%).

Trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ với doanh thu tăng lần lượt là 14,8% và 49,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô 04 tháng đầu năm 2022 cao hơn nhưng tốc độ tăng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh.

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa 04 tháng đầu năm 2022 tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11,5%; phương tiện đi lại giảm 0,01%; may mặc giảm 3,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 4,6%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Bình Dương tăng 12,2%; Quảng Ninh tăng 11,9%; Cần Thơ tăng 9,4%; Hải Phòng tăng 9,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 8,5%; Đồng Nai tăng 7,9%; Hà Nội tăng 6,4%; Khánh Hòa tăng 4,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,2%, Đà Nẵng tăng 2,8%.

So với cùng kỳ năm trước, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 04 tháng đầu năm 2022 tăng 5,2%. Trong đó, doanh thu của một số địa phương tăng như : Phú Yên tăng 22,5%; Khánh Hòa tăng 20,5%; Đồng Nai tăng 19,3%; Quảng Ninh tăng 14,4%; Cần Thơ tăng 12,1%; Hải Phòng tăng 5,7%; Hà Nội tăng 1,7%;

Ngược lại, các tỉnh thành phố khu vực phía nam lại có xu hướng giảm doanh thu từ dịch vụ lưu, trú ăn uống như: TP.HCM giảm 9,7%; Long An giảm 14,6%, Trà Vinh giảm 15,9%, Đà Nẵng giảm 18,2%; Tiền Giang giảm 30,1%.

Doanh thu du lịch lữ hành 04 tháng đầu năm 2022 tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch từ 15/03/2022 và tháng Tư có các kỳ nghỉ lễ nên nhu cầu du lịch tăng mạnh. Doanh thu của một số địa phương tăng mạnh như: Khánh Hòa tăng 370%; Quảng Nam tăng 71,1%; Cần Thơ tăng 46,4%; Quảng Bình tăng 29,6%; Hà Nội tăng 19,8% chỉ có TP. HCM giảm 9,6% và Đà Nẵng giảm 22,5%.

Doanh thu dịch vụ khác 04 tháng đầu năm 2022 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể mức tăng/giảm của một số địa phương như sau: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 18,6%; Thanh Hóa tăng 17,3%; Quảng Ninh tăng 15,9%; Cần Thơ tăng 13,3%; Quảng Bình tăng 10,4%; Đà Nẵng tăng 5,8%; Hải Phòng tăng 5,1%; Hà Nội tăng 3,7%; Bình Dương giảm 1,4%; Vĩnh Phúc giảm 2,3%; Thừa Thiên - Huế giảm 3,2%; TP. HCM giảm 12,8%; Nghệ An giảm 14,9%.

Phương Thảo