Tham dự buổi Lễ về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp; Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Nguyễn Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Thiếu tướng Bùi Công Chức, Phó Chính ủy Quân khu 3; Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa.
Về phía TP. Hải Phòng có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng; Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố.
Cùng các đồng chí lãnh đạo các Ban, Sở, ngành, đoàn thể thành phố; Hội Phật giáo thành phố; lãnh đạo Quận ủy, Huyện ủy, UBND các quận, huyện; lãnh đạo huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; lãnh đạo huyện An Lão cùng toàn thể bà con Nhân dân địa phương.
Đền thờ Tiến sĩ - Nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn tôn thờ Song nguyên Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn, một vị quan trung quân, ái quốc, một Nhà văn hoá lớn của Việt Nam thế kỷ XIX. Đền được xây dựng trên chính mảnh đất quê hương của Lê Khắc Cẩn, người làng Hạnh Thị, tổng Đại Phương Lang, huyện An Lão, phủ Kiến Thuỵ, tỉnh Hải Dương. Nay là thôn Hạnh Thị, xã An Thọ, huyện An Lão, TP. Hải Phòng.
Sự nghiệp của ông gắn liền với thời kỳ lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam xảy ra nhiều bước ngoặt, đứng trước nguy cơ bị đô hộ. Năm Ất Mão (1855), ông đỗ đầu kỳ thi Hương tại trường thi Nam Định. Kỳ thi Hội năm Nhâm Tuất niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862), ông tiếp tục đỗ đầu; vào thi Đình, được ơn vua ban đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân đệ nhị danh (Hoàng giáp). Ông là người có tài năng văn chương, được nhà vua yêu mến, hậu đãi, thường được sai duyệt các tác phẩm ngự chế và tham khảo về cách làm cổ văn. Công danh, sự nghiệp Lê Khắc Cẩn sáng cả hai mặt quan trường và thơ ca văn chương (đặc biệt với các tác phẩm thể hiện lòng yêu nước, trung hiếu với nhà vua). Ông đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng từ triều đình Huế đến các địa phương, dù ở bất kì cương vị nào, Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn luôn tỏ rõ là con người tài năng, mẫn cán trong công việc, được vua tin tưởng, đồng liêu trọng vì, nhân dân quý mến.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bí thư Huyện ủy An Lão Ngô Thị Thanh Thủy nêu rõ, sau 14 năm tu tạo và tiếp tục sưu tầm trùng tu xây dưng có sự góp công góp của của con cháu dòng họ Lê thôn Hạnh Thị cũng như sự quan tâm của các cấp các ngành và du khách gần xa, ngày 12/3/2024, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 606 xếp hạng Đền thờ Lê Khắc Cẩn, xã An Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây chính là niềm vinh dự, niềm tự hào lớn lao của người dân xã An Thọ nói riêng và huyện An Lão, thành phố Hải Phòng nói chung, đồng thời khẳng định và ghi nhận đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng tâm huyết của cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã An Thọ, và huyện An Lão trong thời gian qua. Đồng chí Bí thư Huyện ủy bày tỏ mong muốn, thời gian tới Đền thờ Lê Khắc Cẩn cùng với các công trình văn hóa tâm linh khác trên địa bàn huyện An Lão như: Đền thờ Trạng nguyên Trần Tất Văn, Đền thờ Nữ tướng Lê Chân, Chùa Long Hoa và Khu Di tích lịch sử danh lam thắng cảnh Núi Voi sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài thành phố.
Nhấn mạnh phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam khẳng định, Đền thờ Lê Khắc Cẩn được công nhận Di tích lịch sử quốc gia không chỉ tôn vinh công lao to lớn của Tiến sĩ - nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn, mà còn là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã An Thọ, huyện An Lão và thành phố. Để tiếp tục lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống tốt đẹp của Di tích, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cấp, ngành và huyện An Lão quan tâm xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác tốt giá trị của Di tích; đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá giá trị của Di tích tới các tầng lớp Nhân dân thành phố.
Giới thiệu di tích lịch sử quốc gia đến với du khách thập phương; chú trọng tuyên truyền giáo dục truyền thống các thế hệ trẻ; tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội theo đúng quy định; tích cực phối hợp các địa phương khác xây dựng, phát triển du lịch tâm linh, tuyến du khảo đồng quê...
Tại buổi Lễ, Đoàn đại biểu Trung ương, thành phố, huyện An Lão và xã An Thọ, cùng đại diện dòng họ Lê thông Hạnh Thị đã dâng hương tưởng nhớ Tiến sĩ - nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn; đồng thời thưởng thức hoạt cảnh chèo “Ngôi sao trung nghĩa” tái hiện sống động quang cảnh Song nguyên Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn vinh quy bái tổ, một nét đẹp về văn hóa tôn vinh hiền tài trong lịch sử Việt Nam do các nghệ sĩ Đoàn Chèo Hải Phòng biểu diễn.
Quỳnh Nga(t/h)