Hội thảo xác định việc xây dựng phương án khoanh định vùng hạn chế khai thác nước ngầm theo Nghị định 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ về Quy định khai thác nước dưới đất là nhiệm vụ trước mắt cần thực hiện.
Diễn ra cuộc khảo sát, nghiên cứu tại 4 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ, Bến Tre cho thấy vấn đề sụt lún đất và việc khai thác nước ngầm được xác định có mối liên hệ rõ rệt. Sự sụt lún thể hiện qua các tác động đến cơ sở hạ tầng ở mức độ người dân có thể nhận thấy những thay đổi.
Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đồng bằng sông Cửu Long đang sụt lún 1cm/năm, có tốc độ trung bình lên đến 5,7cm/năm tại một số điểm.
Vấn đề sụt lún tại thành phố Cần Thơ cũng đáng được quan tâm vì đây là nơi dễ thấy hiện tượng sụt lún nhất. Theo số liệu đo đạc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2005-2017 tốc độ sụt lún trung bình của thành phố là 1,31cm/năm, nơi có tốc độ sụt lún cao nhất lên đến 4,37 cm/năm.
Theo đó, việc khai thác nước ngầm quá mức đã kéo theo nhiều hệ lụy, khiến tình trạng sụt lún ở ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Các giải pháp đặt ra đã vô cùng cấp bách…
Đồng thời, tác nhân chính gây ra sụt lún ở ĐBSCL là quá trình nén tự nhiên và khai thác nước ngầm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nước ngầm nhiễm mặn cũng là một vấn đề ngày càng gia tăng ở sông Mekong và là nguyên nhân chính làm giảm nguồn nước ngọt dưới bề mặt. Cứ mỗi mét khối nước ngọt được khai thác từ các tầng chứa nước thì có 13m3 nước ngọt dự trữ bị mất đi do xâm nhập mặn tự nhiên và bị hòa lẫn nước lợ ngầm.
Theo PGS-TS Nguyễn Hiếu Trung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ - cho rằng, tầng đất mặt dưới sâu của khu vực ĐBSCL chủ yếu là lớp cát, còn nền đất thì 80% là đất yếu, nên chỉ riêng việc xây dựng nhà cửa, đường sá đã khiến xuất hiện lún.
Đặc biệt, quá trình phát triển nông nghiệp, công nghiệp, mạch nước ngầm được khai thác tràn lan là nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt lún, từ đó nền đất bị dịch chuyển sẽ kéo theo việc sạt lở bờ sông, bờ biển. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát, thay đổi dòng chảy của các dòng sông, địa chất ở các bờ sông yếu… càng khiến tình trạng sạt lở thêm trầm trọng.
Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, đại diện Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), cho rằng giải pháp trọng tâm trước mắt là cần có sự hợp tác giữa nhiều bên cũng như có một quy hoạch chung cho việc khoanh định vùng hạn chế khai thác nước. Thạc sỹ nhấn mạnh thêm: “Nghị quyết 120 của Chính phủ kêu gọi theo tinh thần “thuận thiên”. Thuận thiên không có nghĩa là không làm gì, là phó mặc cho trời đất. Thuận thiên là phải hiểu và tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào quy luật tự nhiên để phải trả giá đắt”.
Để giải quyết vấn đề sụt lún thì ĐBSCL cần phải gấp rút giảm ngay sử dụng nước ngầm. Tuy nhiên, giảm việc sử dụng nước ngầm thì phải có nguồn nước khác thay thế. Đối với vùng ven biển nên thuận theo tự nhiên chuyển sang canh tác mặn và làm hệ thống công trình trữ nước, cấp nước cho sinh hoạt. Đối với vùng nội địa cần phục hồi lại sông ngòi để có thể sử dụng được như cách đây chỉ vài chục năm, trước khi thâm canh nông nghiệp với lượng lớn phân bón thuốc trừ sâu và nhiều công trình ngăn sông làm tích tụ ô nhiễm.
T.L