Dự án cải tạo kênh mương thoát nước và đường công vụ dọc sông Lừ (do Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội làm chủ đầu tư) dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014. Trên thực tế, đường chưa thấy, chỉ thấy ngổn ngang gạch đá, phế thải xây dựng, rác thải sinh hoạt… do các đơn vị thi công tập kết đầy đường gây nên tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường trầm trọng, khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Việc tập kết vật liệu xây dựng bừa bãi, xả thải xuống lòng kênh đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng

Ông Hoàng Văn Khoa (phường Kim Liên – Đống Đa) bức xúc cho biết: “Kể từ khi triển khai dự án cải tạo kênh mương thoát nước và đường công vụ dọc sông Lừ, tình hình sinh hoạt của người dân gặp vô vàn khó khăn. Trên công trường thi công ngổn ngang cát đá, bùn đất được chủ đầu từ dự án tập kết ngay trên mặt đường, nên gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng”.

Bà Nguyễn Thị Lành, một hộ dân sống dọc con kênh Lừ, nơi có công trình cải tạo đi qua chia sẻ: “Gia đình tôi sống ngay ngoài mặt đường, nên việc sinh hoạt của gia đình khổ sở vô cùng. Vào những hôm trời nắng phải đóng kín cửa vì không thể chịu nổi bụi và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ nước thải dưới lòng kênh…”.

Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn đường từ đầu cầu Trung Tự đến cầu Đông Tác thuộc địa bàn phường Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), vật liệu xây dựng như: Cát, đá, gạch… được tập kết ngổn ngang ở dọc hai bờ song. Có nhiều lều, lán làm nơi tập kết xi măng, sắt thép và các nguyên vật liệu xây dựng  mọc lên. Rác thải xây dựng từ công trình cải tạo nhà ở và đất đá trong quá trình thi công dự án được chủ đầu tư án vứt thẳng ra lòng đường, lòng kênh. Thực trạng trên đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Sơn, Phó chủ tịch UBND phường Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) thừa nhận: “Đường đang trong giai đoạn thi công, nhà dân đang trong quá trình phá dỡ và xây dựng, sơn sửa lại nên tình trạng tập kết vật liệu xây dựng và rác thải xây dựng cạnh đó là dĩ nhiên. Hơn nữa những rác thải xây dựng mà công trình cải tạo kênh và làm hệ thống thoát nước còn tồn đọng lại thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm vệ sinh dọn dẹp”.

Lý giải của vị lãnh đạo phường Kim Liên là chưa thực sự thuyết phục. Bởi, dự án và tình hình cải tạo nhà ở nằm trên địa bàn phường quản lý thì chính quyền sở tại cũng phải có những biện pháp phù hợp, kết hợp với lực lượng Công an phường, Thanh tra xây dựng, Tổ dân phố có kết hoạch kiểm tra, nhắc nhở và xử lý vi phạm về trật tự xây dựng để bảo đảm an toàn giao thông, đường phố sạch sẽ, thông thoáng, tránh tình trạng ô nhiễm tại khu dân cư.

Năm 2014, UBND TP. Hà Nội đã ra chỉ thị số 01 về thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014” trong đó đã nêu rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, địa phương về đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường; Công tác bảo đảm đường thông hè thoáng, nghiêm cấm việc tập kết vật liệu xây dựng trái phép.

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ UBND phường Kim Liên cần nhanh chóng có những biện pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm trên. Đồng thời đề nghị chủ đầu tư dự án cần chấm dứt tình trạng tập kết vật liệu xây dựng bừa bãi, xả thải xuống lòng kênh để đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Duy Thế - Anh Dũng