Nơi “thủ phủ” lan rừng

Nằm ven sông Đáy của huyện Hoài Đức, xã Đông La được biết đến là vựa lan rừng lớn nhất miền Bắc với nhiều giống lan đẹp và quý hiếm. Đường vào xã Đông La, bạt ngàn vườn lan lớn nhỏ đầy xuân sắc, dọc 2 bên triền đê là những vườn lan xanh mướt trị giá hàng tỷ đồng.

Theo ông Trịnh Đắc Chuyên, Phó chủ tịch UBND xã Đông La, nghề trồng lan “bén duyên” đất Đông La từ năm 1990. Ngày đó, một số người đi làm ăn xa, thấy trên rừng có các loài hoa lan đẹp, họ yêu thích và chuyển về trồng, từ đó bắt đầu nhân giống, đầu tư mở các mô hình trồng lan để kinh doanh.

Từ một vài hộ dân trồng, đến nay, cả xã đã có hơn 100 hộ dân trồng lan với những vườn lan rộng hàng trăm, hàng nghìn m2. Nhiều vườn lan lớn có thương hiệu ở thôn Đồng Nhân, Đông Lao, cho thu nhập cao; nhiều gia đình có cửa hàng trên đường Hoàng Hoa Thám, chợ Vạn Phúc, Mỹ Đình... kinh doanh, buôn bán ngày càng phát triển.

Đông La: Làm giàu từ trồng lan - Hình 1

Những giò lan đai trâu đang khoe sắc, giá trị hàng chục triệu đồng

Ở Đông La, một số hộ dân có được những giống lan đột biến như phi điệp đột biến, được bán theo cm, có thể vài triệu đồng/cm. Có những loại được bán theo ngọn, những ngọn phi điệp đẹp có giá bán vài triệu đồng/ngọn, ngọn có cả hoa đột biến cánh trắng thì lên tới vài trăm triệu đồng…

Lan Đông La đã tỏa đi khắp các tỉnh với nhiều chủng loại khác nhau, chủ yếu là các giống lan rừng quý hiếm như lan đuôi cáo, phi điệp, đai trâu, tam bảo sắc, quế lan hương... Các giống lan này, được nhập từ các vùng của Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần ở vùng núi Việt Nam rồi được người Đông La thuần dưỡng và chăm sóc qua các năm, cung cấp cho thị trường.

Sống khỏe nhờ lan rừng

Không như những loài hoa khác, người trồng chỉ trông chờ vào vụ Tết, lan rừng được khách hàng chơi và tìm mua quanh năm. Nhờ trồng lan, người Đông La đã vươn lên làm giàu nhanh chóng, mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Gia đình nào trồng lan cũng thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhờ vậy, vùng quê bên sông Đáy ngày càng có nhiều tỷ phú hoa lan.

Với mỗi mô hình trồng lan, mỗi chủ vườn lại có những cách làm khác nhau, ý tưởng khác nhau, tạo nên sự phong phú, đa dạng về các loài hoa trong từng mô hình nuôi trồng.

Dừng chân bên vườn lan Huyền Chân (xóm 4, thôn Đồng Nhân), tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi một không gian đầy hương sắc của những giò lan vươn mình đón nắng. Chủ vườn lan chia sẻ: “Gia đình đã gắn bó với cây lan được hơn 20 năm. Lúc đầu, chỉ là thú chơi và đam mê lan, rồi dần dần thấy hoa lan có thể phát triển kinh tế thì bén nghề trồng lan”.

Với diện tích 1.500 m2, vườn của gia đình anh có khoảng 20 loài lan khác nhau, hàng vạn cây lan lớn nhỏ, giá trị hàng tỷ đồng. Trong vườn nhà, có rất nhiều giò lan giá trị, nhưng đắt nhất phải kể đến giò quế lan hương với giá trên 40 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ trồng hoa lan mang về cho gia đình khoảng vài tỷ đồng.

Anh cho biết, lan có rất nhiều giống, nhưng nhà vườn chọn những giống lan phù hợp với khí hậu ngoài Bắc và phù hợp với thị hiếu của người chơi để trồng. Người trồng lan, trước hết phải có sự đam mê, tâm huyết thì mới có thể chăm sóc tốt được cho cây. Nhiều khi, tiền mất không tiếc bằng việc nhìn ngọn lan bị hỏng rồi chết dần…

Không phải là người trồng lan sớm nhất ở Đông La, nhưng anh Nguyễn Hữu Nguyên được biết đến là một trong những người có vườn lan lớn ở thôn Đồng Nhân với các loại lan rừng và các giống lan công nghiệp độc đáo, ước tính giá trị khoảng 5 tỷ đồng. Trên diện tích rộng 1.700 m2, anh Nguyên chia khu vườn ra thành các khu trồng các loại lan khác nhau như lan rừng và lan công nghiệp để khách hàng dễ lựa chọn và thăm quan.

Đông La: Làm giàu từ trồng lan - Hình 2

Anh Nguyễn Hữu Nguyên cẩn thận chăm sóc từng giò lan trong vườn

Vườn nhà anh hiện có một số hàng lan rừng đột biến như dòng hoàng thảo phi điệp, có giá khoảng vài chục triệu đồng/cành, những loài đột biến đặc biệt thì sẽ được bán theo cm, khoảng 2 triệu đồng/cm.

Anh Nguyên cho biết, lan trong vườn nhà nở hoa quanh năm, mỗi loài ra hoa vào một mùa, nhưng vào dịp Tết được bán ra thị trường mạnh nhất với các loại như cattleya, hồ điệp, đai trâu…

Thời gian qua, anh đã mở rộng diện tích trồng lan, đầu tư xây dựng một mô hình trồng lan trong nhà ni lông rộng 150 m2 với hệ thống quạt gió vừa làm mát, tạo độ ẩm cho lan sinh trưởng phát triển tốt, hệ thống mái che nắng, che mưa giúp cho lan hạn chế được những ảnh hưởng xấu của thời tiết trong mùa mưa.

Cách vườn của anh Nguyên không xa là vườn lan Thực Hà của gia đình anh Thực với nhiều giống lan quý, nhưng trong vườn chủ yếu là 2 giống đai trâu và địa lan. Anh Thực cho biết, những giống lan này được nhập chủ yếu từ Thái Lan, thuần dưỡng chúng một vài năm, tùy vào loại lan rồi đưa ra thị trường. Vườn lan của anh cũng có được một số giống lan đột biến như phi điệp, địa lan, lan hài, có giá trị cao và được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.

Để lan rừng vươn xa

Theo tìm hiểu, người chơi lan, không chỉ chơi hoa mà còn chơi lá, chơi mầm; chơi hoa lan là một tháng chơi hoa còn mười một tháng chơi lá, chơi mầm.

Trồng lan không khó, nhưng quan trọng khâu chọn mua cây giống, phải tìm hiểu xem loài đó có dễ thuần không, có phù hợp với điều kiện khí hậu nuôi trồng ở vùng đất của mình không. Quá trình chăm sóc lan, cần phải chú ý tạo môi trường sống thoáng gió, đủ nắng và phòng bệnh vào mùa mưa, vì lan vào mùa mưa rất hay gặp các bệnh về nấm. Mỗi mảnh vườn lại có những đặc điểm khác nhau. Ví dụ, nuôi dưới vườn đất và trên giàn là khác nhau nên người chơi lan, nuôi lan phải biết lượng các yếu tố nắng, gió, độ ẩm để điều chỉnh cho phù hợp. Để lan phát triển tốt, cần phải chú ý đến lượng nước cung cấp cho lan, vì có loài ưa nhiều nước, có loài ưa ít nước; tiếp đến là phân bón cho lan như phân bón lá, B1... bón theo chu kỳ thường từ 7 - 10 ngày thì bón cho lan 1 lần, chu kỳ đó, trong một tháng có thể thay thuốc theo từng giai đoạn.

Để nghề phát triển và mở rộng hơn nữa, các hộ dân trồng lan trong xã, cũng như Hội Nhà vườn hoa lan Đông La mong muốn có thể xây dựng được một khu chợ ngay trên đất Đông La để trưng bày, giới thiệu và kinh doanh buôn bán ngay tại địa phương, giúp người nuôi trồng, sản xuất tập trung hơn và quảng bá được thương hiệu...

Hiện nay, tại địa phương đang xảy ra tình trạng “lan tặc”, khiến hội nhà vườn trồng lan rất lo lắng và đó cũng là một rào cản đối với các hộ dân. Vì thế, họ mong muốn được chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ, đảm bảo an toàn cho hiệp hội về công tác an ninh khu vực, đảm bảo để các hộ dân yên tâm nuôi trồng, kinh doanh.

Và điều đáng quý hơn, giúp nghề trồng lan ở Đông La ngày càng phát triển bền vững đó là các chủ vườn lan, người chơi lan ở Đông La không những không giấu nghề, mà còn liên kết, hỗ trợ nhau, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, thị trường để cùng nhau phát triển kinh tế, nhờ loài hoa vương giả này.

Ðỗ Uyên