THCL Trước tốc độ đô thị hóa “chóng mặt”, làng hoa Ngọc Hà giờ chỉ còn được nhắc đến như một địa danh trong tiềm thức của nhiều người Hà Nội khi lão nông cuối cùng của làng hoa cũng vì tuổi cao, sức yếu mà không thể gìn giữ được ước nguyện của cha ông.

Vang bóng một thời

“Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát / Hoa Ngọc Hà thơm ngát gần xa / Hỏi người xách nước tưới hoa / Có cho ai được vào ra chốn này?”

Xưa kia, làng hoa Ngọc Hà nổi tiếng đến mức, nhiều câu thơ, câu ca dao ra đời khiến biết bao thế hệ thuộc nằm lòng. Không chỉ là một làng hoa đẹp nức tiếng chốn kinh thành, làng hoa Ngọc Hà còn trở thành biểu tượng đẹp của vùng đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến.

Mỗi dịp Tết đến, xuân về… những câu hát trong bài “làng lúa làng hoa” vang lên, người Hà Nội lại tần ngần nhớ về miền ký ức đẹp đẽ, với những bọc hoa đủ loại thơm ngát dâng lên ban thờ, hay những gánh hàng hoa theo chân người làng Ngọc Hà len lỏi qua từng con phố.

Sử sách còn ghi chép lại: “Ở mạn nam Hồ Tây, chỉ cách bờ hồ tầm một con đê, vốn là bức tường bao phía bắc Hoàng Thành Thăng Long, làng hoa Ngọc Hà ra đời ở ngay trên khu vườn thượng uyển của các vị vua cuối triều Lý. Người xưa đã lấy tên của dòng Ngự Hà chảy qua khu Ngự Uyển này đặt tên cho làng là Ngọc Hà như ngày nay”. Cái tên Ngọc Hà ra đời từ đó. Thế mới biết, làng hoa lâu đời bậc nhất Hà Thành đã gắn liền với vùng đất theo suốt chiều dài lịch sử, trải qua hàng nghìn năm biến cố, người làng Ngọc Hà vẫn giữ được nét đẹp tinh túy của người Hà Nội, ngày ngày mang “hương sắc” cho đời.

Làng hoa Ngọc Hà: Nay chỉ còn là “ký ức”… - Hình 1

Theo một số bậc cao niên trong làng, xưa kia chỉ cần đi qua Đình làng Ngọc Hà,  2 bên trục đường chính hay những nhánh xương cá chỉ thấy cơ man nào là hoa. Người Ngọc Hà xưa kia trồng đủ loại hoa, nhưng chủ yếu là thược dược, cúc, hồng, nhài… hay những loại hoa “hiếm” lúc bấy giờ như violet, lay-ơn, făng –xê… cũng được những người dân nơi đây trồng thành công.

Khi mặt trời còn chưa ló rạng, Hà Nội vẫn im lìm trong cơn say, người làng Ngọc Hà đã tất bật bên những luống hoa, tỉ mẩn chăm sóc, tưới nước, bón phân. Đất Ngọc Hà xưa kia hoa đẹp đến mức, người Hà Nội hay các tỉnh lân cận còn tìm về học hỏi kinh nghiệm nhưng chẳng có nơi đâu sản sinh ra những bông hoa đẹp rực rỡ như khi được trồng tại làng.

Hoa Ngọc Hà còn đáp ứng được cả những người sành chơi, khó tính. Những loài hoa “vương giả” xưa kia như hoa trà, địa lan, mai trắng… cũng được người Ngọc Hà nhân giống thành công. Ấy thế mà người Hà Nội vẫn có câu nói:“Ngày rằm đi chợ mua hoa/ Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua”.

Chuyến xe cuối cùng… dừng bánh

Tìm đến làng hoa Ngọc Hà vào dịp đầu Xuân, chúng tôi hi vọng tìm lại được một miền ký ức đẹp đẽ về làng hoa nức tiếng Hà Thành xưa cũ. Bước qua Đình làng Ngọc Hà, giờ đây trước tốc độ đô thị hóa chóng mặt, những ruộng hoa rực rỡ trước kia giờ đây chỉ còn là những mái nhà cao tầng san sát. Cảm giác bức bí, ngột ngạt đến khó tả.

Tìm đến nhà lão nông cuối cùng của làng hoa, bác Trần Nguyên Bộ, chúng tôi hi vọng tìm thấy dáng dấp của làng hoa xưa cũ trong mảnh vườn thu nhỏ. Nhưng sự thật cũng chát chúa đến đau lòng.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khai trang, đôi chân run run đi không vững. Ngay sau ngôi nhà mới, khoảnh vườn nhỏ trước đây là mảnh đất trồng hoa giờ đây cũng trở thành “công trường” đang lem nhem vôi vữa. Mảnh đất 400 mét vuông trước đây vốn là niềm tự hào của bác Bộ, cũng là di vật cuối cha ông để lại để nối nghề giờ cũng được “xẻ” nhỏ để xây dựng nhà cửa. Còn duy nhất một khoảnh đất cuối cùng trồng hoa, cỏ mọc um tùm do lâu ngày không có người chăm sóc.

Trao đổi với chúng tôi, bác rưng rưng nhớ lại: “Giờ bác chân đau, đi lại không vững. Các con cũng đã trưởng thành và đi làm nhà nước hết. Không có ai chịu nối nghiệp vì cái nghề này cũng chỉ được dăm ba đồng, không đủ trang trải sinh hoạt. Chỉ có những người thật sự yêu nghề, mới có thể trụ vững. Nhưng giờ, bác cũng đành “chấp nhận” vì tuổi già, sức khỏe không cho phép… vì thế mà những luống hoa cuối cùng bác cũng phải bỏ hoang gần nửa năm nay.”

Làng hoa Ngọc Hà: Nay chỉ còn là “ký ức”… - Hình 2

Hình ảnh người trồng hoa cuối cùng giờ chỉ còn là hồi ức.

Chuyến tàu đưa chúng tôi đi về miền ký ức dường như đứt đoạt, ngay tại làng hoa vang bóng một thời xưa kia… giờ đây người nông dân cuối cùng cũng đành phó mặc vì tuổi tác, sức khỏe… chẳng thể trụ lại với nghề. Để làng hoa Ngọc Hà giờ đây chỉ còn lại tiềm thức, những luống hoa cúc vàng ươm, hoa violet tím rịm mỗi độ Tết đến, xuân về theo chân những người con gái làng Ngọc Hà len lỏi qua từng góc phố, giờ đây chỉ là một điều gì đó quá đỗi xa vời.

Rời làng hoa nức tiếng một thời, cái tên Ngọc Hà sẽ chỉ được nhắc đến trong sách vở, qua những câu thơ, câu ca dao. Những nhân chứng sống của làng giờ cũng ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” xưa nay hiếm, thế mới biết để gìn giữ nét đẹp văn hóa của một vùng đất đâu chỉ mong ngóng ở một vài người, như câu hát: “một cánh én nhỏ, chẳng làm nên mùa xuân”.

 Quang Nam