Trong 10 tháng ngành công nghiệp chế biến chế tạo thu hút đầu tư FDI lớn nhất
BĐS: Thu hút mạnh FDI
Báo cáo kinh tế 10 tháng đầu năm 2018 của Bộ KH&ĐT cho thấy: Đầu tư FDI từ đầu năm đến thời điểm 20/10/2018, thu hút 2.458 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15.028,2 triệu USD, tăng 18,7% về số dự án và giảm 7,8% về vốn đăng ký so cùng kỳ 2017. Có 954 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm, đạt 6.543,3 triệu USD, giảm 10% so cùng kỳ năm trước.
Tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 10 tháng đạt 21.571,5 triệu USD, giảm 8,5% so cùng kỳ 2017. Vốn FDI thực hiện 10 tháng năm nay, ước tính đạt 15,1 tỷ USD, tăng 6,3% so cùng kỳ 2017. Trong 10 tháng năm 2018, còn có 5.342 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,3 tỷ USD, tăng 35,8% so cùng kỳ 2017, trong đó có 889 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của DN với giá trị vốn góp là 2,2 tỷ USD và 4.453 lượt NĐT nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,1 tỷ USD.
Trong 10 tháng, ngành CN chế biến, chế tạo thu hút đầu tư FDI lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6.855,6 triệu USD, chiếm 45,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh BĐS đạt 5.102,6 triệu USD, chiếm 34%; các ngành còn lại đạt 3.070 triệu USD, chiếm 20,4%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì, vốn FDI vào ngành CN chế biến, chế tạo trong 10 tháng năm nay đạt 11.542,4 triệu USD, chiếm 53,5% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh BĐS đạt 5.192,2 triệu USD, chiếm 24,1%; các ngành còn lại đạt 4.836,9 triệu USD, chiếm 22,4%.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của các NĐT nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành CN chế biến, chế tạo đạt 1.737,3 triệu USD, chiếm 27,4% tổng giá trị góp vốn; ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 1.551,4 triệu USD, chiếm 24,5%; các ngành còn lại đạt 3.051,8 triệu USD, chiếm 48,1%.
Nhật Bản: NĐT FDI lớn
Cả nước có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án FDI được cấp phép mới trong 10 tháng năm nay, trong đó, Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 4.987,1 triệu USD, chiếm 33,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; Bà Rịa - Vũng Tàu 1.794,1 triệu USD, chiếm 11,9%; Đồng Nai 834,2 triệu USD, chiếm 5,6%; Bình Dương 795,7 triệu USD, chiếm 5,3%; TP. HCM 714,4 triệu USD, chiếm 4,8%; Hải Phòng 555,6 triệu USD, chiếm 3,7%; Tây Ninh 411,3 triệu USD, chiếm 2,7%; Ninh Thuận 387,5 triệu USD, chiếm 2,6%; Bắc Ninh 370,8 triệu USD, chiếm 2,5%...
Trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 10 tháng, Nhật Bản là NĐT lớn nhất với 5.893,2 triệu USD, chiếm 39,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 3.314,8 triệu USD, chiếm 22,1%; Singapore 1.061,3 triệu USD, chiếm 7,1%; Thái Lan 855,2 triệu USD, chiếm 5,7%; Trung Quốc 787,5 triệu USD, chiếm 5,2%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 652,5 triệu USD, chiếm 4,3%; Pháp 470,7 triệu USD, chiếm 3,1%.
Vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao, cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực trong năm 2018, sẽ tiếp tục củng cố lòng tin và làm gia tăng mối quan tâm của các NĐT nước ngoài đối với nước ta trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài đang diễn ra ngày càng gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đòi hỏi phải cải thiện môi trường đầu tư một cách mạnh mẽ hơn nữa.
GS. TSKH. Nguyễn Mại chỉ ra một số xu hướng tích cực cần đẩy mạnh để đón dòng FDI vào Việt Nam, trong đó nên chú ý đến xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A). Năm 2017, đã thu hút 11 tỷ USD vốn FDI thông qua M&A; 7 tháng đầu năm nay là 4,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng rất lớn trong vốn FDI thực hiện.
“Đó là tiền tươi thóc thật. Xu hướng này cũng nói lên 3 điều: Chúng ta có hàng để các NĐT nước ngoài mua; DN nội đủ mạnh để DN ngoại làm M&A và môi trường đầu tư của Việt Nam hấp dẫn các NĐT nước ngoài”, GS. Nguyễn Mại nhận định.
Khánh Yên