Thu hút có chọn lọc
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Robot sơn linh kiện nhựa - sản phẩm xuất khẩu của THACO
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), từ 1988 - 8/2018, tại 63 tỉnh, thành phố đã thu hút 26.438 dự án FDI của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký 333,83 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 183,62 tỷ USD (bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực).
Song bên cạnh những thành tựu, nhiều báo cáo phân tích cũng đã chỉ ra dòng vốn FDI vào Việt Nam còn nhiều hạn chế, trong đó có tình trạng chuyển giá, trốn thuế, lậu thuế, gây ô nhiễm môi trường, tranh chấp lao động...
Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, quá trình thu hút FDI đã bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại như vốn vẫn đổ nhiều vào lĩnh vực thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường… Trong bối cảnh mới, Việt Nam cần xây dựng một chính sách thu hút FDI với một số điểm nhấn: Thu hút đầu tư phải đảm bảo bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường; cần tính tới sự phát triển vượt bậc của khu vực kinh tế trong nước; chuyển hướng quan tâm về chất lượng FDI…
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI tại Việt Nam (VAFIE) cho biết, những vấn đề tiêu cực mà dòng vốn FDI mang đến cần được nghiên cứu gắn với mặt trái của kinh tế thị trường, chứ không phải chỉ là của khu vực FDI, trong đó có hiệu năng quản lý nhà nước. Mặt khác, CMCN 4.0 đang tạo ra cả cơ hội và thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, DN.
Về định hướng chính sách thu hút FDI trong thời gian tới, GS. Nguyễn Mại khuyến nghị: Ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như CNTT, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... Coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế (TNCs) hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
TP. HCM: Những điểm sáng…
Để thu hút nguồn vốn FDI có hiệu quả, các cơ quan chức năng, lãnh đạo TP. HCM luôn tích cực, chủ động, sáng tạo trong cách thu hút, tiếp cận các NĐT với phương châm xuyên suốt “thành công của các NĐT cũng chính là thành công của thành phố và hiệu quả của các NĐT, DN, sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của TP. HCM”.
Khu công nghệ cao TP. HCM (SHTP) đang là “hiện tượng” trong thu hút vốn FDI với những tên tuổi các tập đoàn hàng đầu thế giới đã hiện diện như Intel, Samsung, Nidec... và hàng trăm DN Việt.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. HCM cho biết, thành phố đã tập trung thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao và triển khai công tác nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo phục vụ NĐT, đồng thời, tổ chức xúc tiến đầu tư gắn kết chặt chẽ với xây dựng hạ tầng, thu hồi đất, quy hoạch.
Theo Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, với những đóng góp nổi bật trong 10 năm qua, năm 2018, công ty dự kiến tiếp tục tăng tốc về giá trị sản xuất và xuất khẩu, tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất chế tạo, kế hoạch nâng cấp diện tích phòng sạch, tập trung vào nâng cấp dây chuyền và công nghệ, phát triển thêm các sản phẩm mới trong hoạt động sản xuất chế tạo tại Việt Nam.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng BQL Khu Công nghệ cao TP. HCM cho biết, SHTP đã thực sự trở thành điểm đến cho các NĐT về nghiên cứu triển khai công nghệ mới, cùng với đó, tại SHTP đang hình thành nhiều dự án hợp tác nghiên cứu khoa học quan trọng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đến nay, SHTP có 68 dự án đang hoạt động, chiếm 46,58%; 78 dự án đang triển khai hoạt động, chiếm 53,42%.
Tại Khu công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), hiện có 50 DN nước ngoài đầu tư/tổng số 155 DN phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT. Trong số này, có 4 DN hàng đầu thế giới như KDDI, HITACHI (Nhật Bản), Concentrix (Hoa Kỳ) và Hexagone (Anh); 6 DN có chứng chỉ quản lý chất lượng sản xuất phần mềm tiên tiến thế giới CMMI như TMA Solutions, GCS, SPS, Digi-Texx, Larion và Misa.
Chủ động tiếp cận NĐT
Theo các chuyên gia, việc xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, với định hướng Việt Nam chủ động nhắm đến những dòng vốn chất lượng hơn, sẽ tác động đến kết quả thu hút FDI. Theo đó, dòng vốn FDI không đổ vào ồ ạt như trước, mà chậm hơn, nhưng chất lượng hơn.
TP. HCM là địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước từ đầu năm đến nay với 2,39 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Tháng 4/2018, TP. HCM đã chính thức công bố kêu gọi đầu tư vào 190 dự án; trong đó, tập trung vào nhiều dự án đầu tư cho thành phố thông minh, đô thị sáng tạo.
Để đạt được mục tiêu trên, TP. HCM đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện hạ tầng, nghiên cứu tìm kiếm đất sạch, xây dựng các KCN chuyên ngành… để thu hút NĐT nước ngoài. Thành phố cũng chủ động xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghệ cao để xây dựng đô thị hiện đại như CN ô tô, CN môi trường, năng lượng tái tạo, sản phẩm nông nghiệp mới...
Tỉnh Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng tâm, trọng điểm; ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt về ưu đãi, thu hút đầu tư; chú trọng cải cách hành chính, giảm các khâu trung gian, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT thực hiện thành công dự án và phát triển bền vững với phương châm “Thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi”. Từ đầu năm đến nay, Phú Thọ đã thu hút 5 dự án FDI, vốn đăng ký 14,5 triệu USD. Một số dự án đang được triển khai xây dựng, hoàn thiện và chuẩn bị đi vào hoạt động, đóng góp cho phát triển KT-XH của tỉnh.
Hoan Nguyễn