Gánh nợ hàng chục nghìn tỷ đồng
Trong danh sách 12 dự án, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ của ngành Công Thương thì có tới 4 dự án, doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Sau nhiều nỗ lực khôi phục sản xuất, khắc phục những tồn tại, yếu kém, nhưng đến nay các dự án vẫn "ngập" trong nợ nần, chưa tìm được hướng xử lý và đang là “gánh nặng” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinachem.
Trong báo cáo số 222/BC-CP của Chính phủ gửi tới đại biểu Quốc hội khóa XIV mới đây do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký nêu rõ, cả 4 dự án ngành hóa chất của Vinachem đang nằm trong danh sách 12 dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, gồm: Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP-Vinachem; Công ty CP DAP số 2-Vinachem, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
Trong danh sách 12 dự án, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ của ngành công thương thì có tới 4 dự án, doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)
Đến nay, duy chỉ có dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng (Công ty cổ phần DAP - Vinachem làm chủ đầu tư) dù còn lỗ lũy kế, song đã có lãi 3 năm gần đây.
Báo cáo cũng chỉ ra hướng xử lý trong thời gian tới là Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định về việc đưa dự án ra khỏi danh sách các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, còn lại cả 3 dự án đều vẫn "ngập" trong nợ nần.
Theo báo cáo trên, dự án Nhà máy đạm Ninh Bình (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình làm chủ đầu tư) khởi công tháng 5/2008, đến tháng 9/2012 được bàn giao tạm thời và đưa vào vận hành thương mại. Tháng 7/2016, Nhà máy dừng sản xuất do không đủ vốn lưu động và thua lỗ kéo dài. Đến ngày 19/1/2017, Nhà máy tiếp tục vận hành trở lại ở mức 85% công suất và đến ngày 30/1/2017 đã có sản phẩm hợp cách, được tiêu thụ hoàn toàn sau khi sản xuất.
Đến hết năm 2019, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình có vốn chủ sở hữu âm 3.392 tỷ đồng, tổng tài sản là 9.837 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 13.184 tỷ đồng, lỗ lũy kế âm 5.706 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chi phí tài chính lớn, chiếm trên 30% giá thành sản phẩm, không cân đối được nguồn tiền để trả các khoản nợ đến hạn; chưa giải quyết được các tranh chấp hợp đồng tổng thầu (EPC), chưa quyết toán được dự án.
Cũng như Đạm Ninh Bình, dự án Nhà máy phân đạm Hà Bắc (Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc làm chủ đầu tư) cũng đang gánh những khoản nợ khổng lồ.
Theo đó, dự án này khởi công tháng 11/2010 và đến tháng 4/2015 được bàn giao tạm thời, đưa vào vận hành thương mại; tháng 12/2015, chính thức nghiệm thu và đưa vào sử dụng (chậm 36 tháng so với phê duyệt lần đầu).
Đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu âm 523,3 tỷ đồng, tổng tài sản là 9.166 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 9.689 tỷ đồng, lỗ lũy kế âm 3.245 tỷ đồng. Công ty thiếu vốn lưu động, chi phí tài chính cao (30% tổng doanh thu). Áp lực trả nợ gốc, lãi, lãi phạt lớn dẫn đến dự án bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng; chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC, chưa hoàn thành quyết toán hợp đồng EPC.
Một dự án khác của Vinachem là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai (Công ty CP DAP số 2 - Vinachem làm chủ đầu tư). Khởi công tháng 12/2011, dự án chạy thử nghiệm thu vào ngày 30/6/2016 đạt yêu cầu cơ bản về công suất và chất lượng sản phẩm (199/200 chỉ tiêu). Tháng 7/2015, nhà thầu EPC đã bàn giao tạm thời cho chủ đầu tư đưa vào vận hành thương mại.
Đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu âm 731,7 tỷ đồng, tổng tài sản là 4.417,8 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 5.164 tỷ đồng, lỗ lũy kế âm 2.230 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chi phí tài chính chiếm trên 20% giá thành. Do áp lực trả nợ gốc, lãi, lãi phạt lớn dẫn đến dự án bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Đến nay, dự án cũng chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC, chưa hoàn thành quyết toán hợp đồng EPC.
Cần xây dựng phương án xử lý phù hợp
Tình trạng thua lỗ, nợ nần của các dự án nêu trên hẳn ai cũng biết, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Điều này khiến cho gánh nặng trả nợ, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinachem.
Theo báo cáo của Vinachem, quý I/2020, doanh thu Vinachem ước đạt hơn 9.000 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, 4 doanh nghiệp kể trên tiếp tục lỗ hơn 800 tỷ đồng, tăng tới 246% so với cùng kỳ năm 2019. Còn lại các doanh nghiệp khác của Vinachem có kết quả kinh doanh khá ổn định, đem lại lợi nhuận 363 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019.
Đó là chưa nói đến dịch COVID-19 cũng khiến các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn càng thêm khó khăn.
Ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Vinachem cho hay, trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý II/2020, 4 doanh nghiệp yếu kém trên sẽ lỗ tới 3.444 tỷ đồng, tăng 33,9% so với kế hoạch. Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp còn lại cũng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, chỉ đạt khoảng 1.150 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Điều đó khiến doanh thu trong năm 2020 của Vinachem chỉ ước đạt hơn 39.200 tỷ đồng, giảm gần 15% so với kế hoạch.
Còn trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý III/2020, 4 doanh nghiệp yếu kém kể trên lỗ tới hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 41,7% so với kế hoạch. Các doanh nghiệp còn lại lợi nhuận ước đạt 962 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với kế hoạch khiến Vinachem phải gánh lỗ nặng.
Để giải quyết 3/4 dự án kể trên (trừ dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng), tại Phiên họp lần thứ 9 mới đây của Ban chỉ đạo Chính phủ xử lý các tồn tại, yếu kém một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Trương Hòa Bình đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Vinachem hoàn thiện phương án xử lý đối với từng dự án, phân tích rõ ưu, nhược điểm, chỉ đề xuất các giải pháp thực sự khả thi, có thể triển khai ngay (có tính đến khả năng được giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam) và báo cáo Ban chỉ đạo cho ý kiến.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã làm việc với Vinachem, yêu cầu Tập đoàn đánh giá nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ để xây dựng phương án xử lý phù hợp. Hiện nay, Vinachem đang triển khai xây dựng phương án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đức Dũng