Cầu Hàm Rồng - nhân chứng lịch sử. (Ảnh tư liệu)
Cầu Hàm Rồng - nhân chứng lịch sử. (Ảnh tư liệu)

Hàm Rồng – Vùng đất biểu tượng của xứ Thanh

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thành phố Thanh Hóa, Hàm Rồng là vùng đất có vị trí vô cùng trọng yếu trong tiến trình lịch sử xứ Thanh nói riêng, dân tộc nói chung. Nơi đây được ví như một bảo tàng lịch sử ghi dấu những chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa, cây cầu ấy gắn liền với lịch sử của dân tộc ta trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian lao chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Trải qua thăng trầm thời gian, những biến thiên lịch sử, Hàm Rồng hôm nay đã trở thành một bảo tàng văn hóa, lịch sử đồ sộ. Ở nơi đó, mỗi ngọn núi, dòng sông, từng tấc đất, ngôi nhà, công trình…đều nhắc nhớ về một Hàm Rồng kỳ tú, anh hùng, một Hàm Rồng mãi là niềm tự hào, là biểu trưng khí phách của người xứ Thanh. 

Trong chiến tranh leo thang đánh phá miền Bắc, không quân Mỹ đã tập trung đánh phá cầu Hàm Rồng nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông quan trọng, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường lớn miền Nam. Không quân Mỹ xác định: “Từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc, trong đó Hàm Rồng được xem là một “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của khu vực cán xoong”.

Tổng thống Mỹ Lydon B.Johnson tuyên bố: “Đã đến lúc Mỹ phải đánh tan ý chí của những mái đầu bạc Hà Nội và đánh gãy xương sống Quân đội Việt Nam bằng cách đánh ngay vào chiếc cầu thép mang tên Hàm Rồng”. Do đó, việc đánh phá Hàm Rồng được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chọn là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.

Sáng ngày 3/4/1965, 16 chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ đã ném bom đánh phá nhiều vị trí trọng yếu của tỉnh Thanh Hóa như cầu Đò Lèn (Hà Trung), cầu Cun (Nông Cống), ga Văn Trai (Tĩnh Gia)... Riêng khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực, máy bay địch đã cắt bom bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả đạn rốc-két. Đây là lần đầu tiên kể từ khi mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, Đế quốc Mỹ tổ chức một trận đánh với quy mô lớn và mức độ ác liệt nhất.

Lực lượng Hải quân cơ động bắn máy bay địch trên vùng trời Hàm Rồng, Thanh Hóa trong cuộc quyết chiến ngày 3 và 4/4/1965. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Lực lượng Hải quân cơ động bắn máy bay địch trên vùng trời Hàm Rồng, Thanh Hóa trong cuộc quyết chiến ngày 3 và 4/4/1965. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Để bảo vệ cầu Hàm Rồng, ta đã bố trí lực lượng phòng không chủ lực kết hợp với lực lượng phòng không tầm thấp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa, không quân tiêm kích tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp sẵn sàng đón máy bay địch, quyết tâm bảo vệ bằng được cầu Hàm Rồng. Sau 2 ngày chiến đấu kiên cường với  tinh thần “Quyết thắng” quân và dân ta đã bắn rơi 47 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng. Đặc biệt, Hàm Rồng chiến thắng đánh dấu bước trưởng thành của Không quân Việt Nam khi lần đầu tiên ra trận không quân ta đã bắn rơi 2 chiếc F8 của địch và ngày 03/4/1965 đã trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Không quân Việt Nam.

Từ trong mưa bom, bão đạn đã có nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng, kiên cường, như: dân quân Yên Vực chèo thuyền vượt sông Mã chở đạn dược cho bộ đội cao xạ; nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển vác 98kg đạn, nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể tiếp đạn cho bộ đội; dân công làng Hạc Oa, Đông Cương không quản hiểm nguy tiếp đạn, cứu thương cho các trận địa cao xạ đồi 75, C4, Quyết Thắng, Không Tên; các mẹ, các chị trong làng Đông Sơn nấu cơm đưa ra trận địa pháo cho bộ đội; sư cụ Đàm Xuân trụ trì chùa Mật Đa đã dỡ nhà làm hầm trú ẩn cho bộ đội, lấy cánh cửa chùa làm cáng cứu thương để lại tiếng thơm cho muôn đời; Nhân dân Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực đã tình nguyện giao nhà cho bộ đội, hiến tài sản, của cải vật chất phục vụ chiến đấu… đã đi vào lịch sử làm nức lòng Nhân dân cả nước, khiến bạn bè yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới khâm phục.

Sự kiện Hàm Rồng chiến thắng vào các ngày 03 - 4/4/1965 đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp thêm niềm tin, ý chí để quân, dân cả nước tiếp tục tiến lên đánh thắng Đế quốc Mỹ và tay sai, giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước. Để bảo vệ cầu Hàm Rồng trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Hàm Rồng đã phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi 117 máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ cầu, bảo đảm giao thông thông suốt, góp phần cùng quân, dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Các bô lão dân quân phối hợp với bộ đội bắn máy Mỹ, làm nên chiến thắng Hàm Rồng, ngày 3 và 4/4/1965. (Ảnh: TTXVN)
Các bô lão dân quân phối hợp với bộ đội bắn máy Mỹ, làm nên chiến thắng Hàm Rồng, ngày 3 và 4/4/1965. (Ảnh: TTXVN)

Không chỉ đi vào những trang vàng chói lọi của lịch sử dân tộc, từ xa xưa Hàm rồng đã được biết đến là một vùng danh thắng kỳ tú. Trong lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú có viết về Hàm Rồng: "Một dòng sông, một con suối, một quả núi, chỗ nào cũng là danh thắng". Và quả thật, cảnh sơn thủy hữu tình khắp Việt Nam không ít nhưng hiếm có một nơi nào, ngay giữa châu thổ, cận kề đô thị vẫn có núi rộng, sông dài, và thế núi, dòng sông tạo thành một vẻ thiêng liêng, kỳ thú đặc biệt như Hàm Rồng.

Thu hút đầu tư đưa Hàm Rồng trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong kinh tế dịch vụ của tỉnh, phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của đất nước. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức xác định “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”. Cho thấy, du lịch đã từng bước khẳng định được vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thanh Hóa chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng.
Thanh Hóa vừa tổ chức thành công lễ kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng.

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa đã được hình thành rõ nét, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến thắng Hàm Rồng không chỉ là niềm tự hào của Nhân dân Thanh Hóa mà còn là thắng lợi của đường lối chiến tranh Nhân dân, của ý chí kiên cường, bản lĩnh vững vàng trí tuệ Việt Nam, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp thêm niềm tin, ý chí để quân, dân cả nước tiếp tục tiến lên đánh thắng đế quốc Mỹ và tay sai, giành lại độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ta đã độc lập thống nhất, Nhân dân Việt Nam đã được sống trong hòa bình, hạnh phúc; song, trang sử vẻ vang của Hàm Rồng chiến thắng 60 năm về trước vẫn được các thế hệ hôm nay viết tiếp trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội. Trải qua từng giai đoạn lịch sử, bằng tinh thần lao động cần cù và sáng tạo, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP. Thanh Hóa đã bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm biến đổi sâu sắc, toàn diện bộ mặt đô thị.

Cầu Hàm Rồng lịch sử được trang trí cờ hoa rực rỡ cho lễ kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng.
Cầu Hàm Rồng lịch sử được trang trí cờ hoa rực rỡ cho lễ kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng.

Đến nay TP. Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tăng cường; TP. Thanh Hóa xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, một trong những đô thị lớn, năng động của khu vực và cả nước. Trong đó, Hàm Rồng hôm nay đang đổi thay từng ngày với nhiều dự án, khu đô thị, những công trình kiến trúc tâm linh đem đến cho Hàm Rồng một dáng dấp mới của sự phát triển hiện đại.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại chương trình gặp gỡ.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại chương trình gặp mặt kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết: Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của 60 năm chiến thắng Hàm Rồng, kế tiếp ước nguyện của cha anh và các thế hệ đi trước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương; thời gian tới Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP.Thanh Hóa cùng các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ thành phố về chiến thắng Hàm Rồng, truyền thống và lịch sử hào hùng của cha anh và các thế hệ đi trước với cách làm sáng tạo, bài bản, khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi.

Khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào, khát vọng vươn lên trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố cùng đồng tâm, đồng sức chung tay cùng cấp ủy, Chính quyền cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư đưa Hàm Rồng trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch làm thay đổi mạnh mẽ hơn nữa diện mạo của Hàm Rồng.

Tượng đài giáo viên và học sinh hi sinh bên bờ sông Mã tại Thanh Hóa
Tượng đài giáo viên và học sinh hi sinh bên bờ sông Mã tại Thanh Hóa

Hàm Rồng đang trở thành điểm đến được đông đảo Nhân dân, du khách lựa chọn

Cùng với các sản phẩm du lịch truyền thống, trong những năm gần đây, Hàm Rồng đang trở thành điểm đến được đông đảo Nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh biết đến bởi một địa danh du lịch, check-in vô cùng hấp dẫn. Nằm ở lưng chừng núi Mướn, thuộc làng cổ Đông Sơn, động Tiên Sơn tựa chốn bồng lai tiên cảnh giữa trần gian với những phiến nhũ đá lấp lánh mang nhiều hình dáng kỳ thú. Bên cạnh vẻ đẹp diệu kỳ của tạo hóa, khu du lịch Động Tiên Sơn còn được ví như "vườn địa đàng" với muôn ngàn sắc hoa rực rỡ, cùng với đó là nhiều trải nghiệm thú vị với nhiều bối cảnh khác để cho ra đời những bức ảnh đẹp.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thắng tích Hàm Rồng vẫn còn vẹn nguyên những giá trị về văn hóa, lịch sử
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thắng tích Hàm Rồng vẫn còn vẹn nguyên những giá trị về văn hóa, lịch sử

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thắng tích Hàm Rồng vẫn còn vẹn nguyên những giá trị về văn hóa, lịch sử cũng như tiềm năng du lịch. Với sự quan tâm của các cấp các ngành, địa phương, thắng tích Hàm Rồng đã và đang trở thành một điểm hẹn lý tưởng của du khách muôn phương.

Với tiềm năng là vùng thắng tích, với quần thể sông, núi, hang động... được quy hoạch trở thành Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, có quần thể danh lam thắng cảnh - di tích lịch sử văn hóa, với tổng diện tích 568ha, có 22 di tích và công trình văn hóa, trong đó có tới 7 di tích cấp quốc gia và 6 di tích cấp tỉnh. Nhiều địa danh văn hóa, lịch sử đã có tên trên bản đồ du lịch của tỉnh như: Đồi Quyết Thắng, Đồi C4, cầu Hàm Rồng, Quảng trường Hàm Rồng, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, Đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, làng cổ Đông Sơn, chùa Phạm Thông, đền thờ Đức Thánh Cả Lê Uy - Trần Khát Chân...

Một trong những điểm nhấn quan trọng của Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng chính là cầu Hàm Rồng - cây cầu lịch sử bắc qua sông Mã. Năm 1904, người Pháp đã xây dựng cầu Hàm Rồng bằng thép, kiểu cầu vòm. Năm 1946, cầu được phá để tiêu thổ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đến năm 1962, cây cầu mới được xây dựng lại, với kết cấu vững chắc, trở thành huyết mạch giao thông quan trọng nối liền Bắc - Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cầu Hàm Rồng là mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, nhưng với sự quả cảm và tài trí của quân dân Thanh Hóa, cây cầu vẫn hiên ngang tồn tại, trở thành biểu tượng của ý chí kiên cường. Những trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng từ những năm 1965-1973 đã đi vào lịch sử như một bản hùng ca bất diệt, ghi dấu công lao của những anh hùng đã hy sinh để bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch này.

điểm nhấn quan trọng của Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng chính là cầu Hàm Rồng - cây cầu lịch sử bắc qua sông Mã.
Điểm nhấn quan trọng của Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng chính là cầu Hàm Rồng - cây cầu lịch sử bắc qua sông Mã.

Cùng với cây cầu lịch sử, khu vực Hàm Rồng còn có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích quan trọng. Núi Hàm Rồng, với những vách đá dựng đứng và hình thế kỳ thú, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đầy ấn tượng. Từ trên đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả vùng sông Mã rộng lớn, với những cánh đồng xanh mướt và làng mạc trù phú.

Phía dưới chân núi là làng cổ Đông Sơn - nơi lưu lại dấu ấn đậm nét nền văn minh Đông Sơn. Nơi đây được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá cao bởi hội tụ đủ 5 yếu tố về khảo cổ, lịch sử văn hóa, danh thắng, cách mạng kháng chiến và kiến trúc. Qua các thư tịch cổ, non nước Hàm Rồng đã được phát hiện như một cõi thần tiên. Trong “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi “An Nam chí của Cao Hùng Trưng chép núi này cao và đẹp trông ra sông Định Minh, lên cao trông xa thấy nước trời một sắc thật là giai cảnh”.

Với những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc, Hàm Rồng giờ đây đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn. Những ai yêu thích khám phá có thể đạp xe, đi bộ, chạy bộ trên các con đường ven núi, tận hưởng không khí trong lành và cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên. Đặc biệt, vào dịp cuối năm hay mùa lễ hội đầu xuân, khu vực Hàm Rồng trở nên nhộn nhịp với đa dạng hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thu hút đông đảo du khách gần xa. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, những năm gần đây, Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng đón khoảng 20.000 lượt khách mỗi năm.

Xác định vị thế và tầm quan trọng của Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, ngày 5/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 396/QĐ/TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa”. Cũng trong những năm gần đây, TP Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của khu vực Hàm Rồng. Nhiều công trình di tích đã được trùng tu, dịch vụ du lịch từng bước phát triển... tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan. Đồng thời, các hoạt động du lịch, sự kiện văn hóa cũng được tổ chức thường xuyên nhằm quảng bá hình ảnh của Hàm Rồng đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Chương trình trải nghiệm “Theo bước chân lịch sử - Hào khí đồi C4”
Chương trình trải nghiệm “Theo bước chân lịch sử - Hào khí đồi C4”

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống tại đây được đặc biệt quan tâm. Mới đây, ban quản lý đã hoàn thành khu vực phòng trưng bày “Hàm Rồng thắng tích” và khu vực đón tiếp nhằm phục vụ Nhân dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu. Cùng với đó, chương trình trải nghiệm “Theo bước chân lịch sử - Hào khí đồi C4” đã, đang được ban quản lý phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thanh Hóa triển khai, thực hiện hiệu quả.

Để phát huy hơn nữa giá trị vùng đất này, việc đẩy mạnh quảng bá du lịch, kêu gọi đầu tư và nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên là hết sức cần thiết. Hướng tới đưa Hàm Rồng trở thành điểm đến hấp dẫn, gắn kết lịch sử với phát triển kinh tế - xã hội.

làng cổ Đông Sơn
Làng cổ Đông Sơn

Nhìn lại lịch sử và hiện tại, Hàm Rồng không chỉ là một vùng đất đẹp về cảnh quan mà còn là một vùng đất thiêng liêng, gắn liền với bao thăng trầm của dân tộc. Những ai từng đặt chân đến Hàm Rồng chắc chắn sẽ không thể quên được hình ảnh cây cầu lịch sử, dòng sông Mã cuộn chảy và những dãy núi mang kỳ vĩ đậm dấu ấn thời gian.

Tất cả tạo nên một bức tranh vừa hào hùng, vừa trữ tình, nơi quá khứ và hiện tại hòa quyện, làm nên sức hút đặc biệt của Hàm Rồng - một vùng thắng tích của quê hương Thanh Hóa anh hùng. Từ một chiến trường khốc liệt, nơi đây đang từng bước vươn lên trở thành điểm đến “Hương sắc bốn mùa” trên bản đồ du lịch tỉnh Thanh.

Lê Nam