Trong đơn gửi tới Báo Thương hiệu & Công luận, có đại diện của hộ dân tại số nhà 105B thuộc Khu tập thể Vật tư ngành dệt, ông Phạm Tuấn Anh có nêu. Tháng 4/ 2016, Công ty VINAHUD triển khai dự án 536A Minh Khai, đến tháng 6/2016 khi dự án đang trong giai đoạn thi công phần móng tầng hầm thì các căn hộ liền kề thuộc Khu tập thể vật tư ngành dệt bắt đầu xảy ra hiện tượng sụt lún nhà, nứt tường, nứt nền và trần nhà.
Phía chủ đầu tư đã chọn phương pháp khắc phục tạm bợ - Ảnh: Hồng Lĩnh
Với những thiệt hại như vậy, phía bên chủ đầu tư đã tổ chức giám định và đưa ra mức bồi thường cho thiệt hại đối với nhà của ông Phạm Tuấn Anh là 22.673.000 đồng. Không đồng tình với mức đền bù của chủ dự án, gia đình ông đã yêu cầu kiểm tra và đền bù với mức thỏa đáng hơn để có kinh phí sửa chữa lại căn nhà, phía gia đình đã gặp ông Vương Hồng Khanh là Phó giám đốc Công ty VINAHUD, song mức bồi thường sau thỏa thuận cũng chỉ được 27.000.000 đồng. Cho rằng mức đền bù như vậy quá rẻ mạt, ông Tuấn Anh đã không đồng ý nhận mức đền bù của chủ đầu tư đưa ra.
Theo gia đình ông Tuấn Anh thì quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bị xâm phạm, bởi căn hộ của gia đình đã bị hư hỏng nặng tới mức không thể sửa chữa thông thường, bằng hình thức chắp vá, như vậy sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng gia đình ông.
Theo các hộ dân ở đây, những hộ dân đã chấp thuận và nhận tiền đền bù là những căn hộ bị hư hỏng nhẹ, số tiền để khắc phục không nhiều, còn đối với những hộ dân bị hư hỏng nặng, thậm chí nếu có khắc phục thì họ cũng không dám ở trong những căn nhà đấy, vì họ không dám đánh cược số mạng của gia đình để sống trong những căn nhà sửa chữa theo kiểu chắp vá.
Hộ gia đình ông Tuấn Anh và các gia đình ở đây cho rằng: “Với kiểu bồi thường như vậy, số tiền đền bù không mua nổi sơn để sơn lại nhà, hoặc không đủ tiền để thuê thợ sửa chữa, chưa nói đến vật liệu và các phương pháp khắc phục lại hiện trạng nhà”.
Để đảm bảo an toàn, người dân cho rằng phải đập bỏ những bức tường này thay vì gia cố lại - Ảnh: Hồng Lĩnh
Bà Nguyễn T.T một người dân trong Khu tập thể cho hay: “Khi căn hộ của mình có hiện tượng rạn nứt, sụt lún nên nhà, rung lắc, kể từ ngày đó, không một ngày đêm nào gia đình được yên ổn, số phận, tính mạng của gia đình như “ngàn cân treo sợi tóc”. không biết là nhà của mình sập lúc nào, liệu nó có thể chống đỡ được bao lâu, cuộc sống cứ đảo lộn bởi những lo âu, thấp thỏm”.
Theo người dân ở đây cho biết thêm, khi quá trình thi công dự án, xảy ra hiện tượng sụt lún, rạn, nứt nhà dân xung quanh, xác định được nguyên nhân trên, mặc dù chưa đạt được thỏa thuận của các hộ dân bị ảnh hưởng, nhưng chủ đầu tư vẫn vô tư cho dự án tiếp tục thi công, trong khi hậu quả gây ra vẫn chưa được khắc phục.
Người dân chỉ mong chủ đầu tư đặt mình vào vị trí của các hộ dân ở đây, để thấu hiểu được cuộc sống của họ phải gánh chịu như thế nào vì dự án và những mối họa đang ngày đêm rình rập tính mạng họ. Bởi vậy họ cho rằng chủ đầu tư đang giải quyết chưa “thấu tình, đạt lý”?.
Quy định xử phạt đối với hành vi tổ chức xây dựng gây sụt lún nhà ở bên cạnh.
Nghị định số 180/2007/NĐ-CP: Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại. Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.
Thông tư số 02/2014/TT-BXD: Bên vi phạm và bên bị thiệt hại có thể thỏa thuận mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường. Nếu không thỏa thuận được, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (phường) sẽ quyết định mời một tổ chức để giám định, chi phí do bên vi phạm chi trả.
Trường hợp công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận, thì Chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ tiền di chuyển và thuê chỗ ở tạm thời cho bên bị thiệt hại trong thời gian giải quyết.
Hồng Lĩnh – Đinh Hoàng