Mặc dù, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Tổng công ty 36 bàn giao nhà cho cư dân chậm nhất trong tháng 12/2017. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Cải tạo chung cư B6 Giảng Võ 10 năm ỳ ạch
Chưa được cấp phép xây dựng
Dự án cải tạo, xây dựng lại nhà B6 Giảng Võ được triển khai từ năm 2007, nhưng do nhiều vướng mắc dẫn đến tranh chấp kéo dài. Phải đến tháng 7/2015, UBND TP. Hà Nội mới có thể giao dự án này cho chủ đầu tư là Tổng công ty 36, triển khai thi công. Theo đó, thành phố chỉ đạo công trình phải hoàn thành và bàn giao cho người dân, chậm nhất trong tháng 12/2017.
Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu đề nghị của Tổng công ty 36 về việc điều chỉnh quy hoạch dự án. Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình và các sở, ngành hỗ trợ.
Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn “giậm chân tại chỗ”. Ông Nguyễn Thiệp, cư dân nhà B6 buồn rầu: “Theo chỉ đạo của thành phố, chúng tôi sẽ nhận nhà vào tháng 12/2017. Tới nay, chỉ còn vài tháng nữa làm sao về kịp?”.
Ông Phạm Hải Đăng, cư dân nhà B6 trăn trở: “Khổ nhất là cứ phải đi ở chỗ nọ chỗ kia; bàn thờ không có nơi cúng bái. Chúng tôi chờ đợi lâu quá, tuổi đã cao, sức đã yếu, gia đình chính sách mà 10 năm qua, dự án vẫn cứ ỳ ạch, người dân đỏ mắt mòn mỏi chờ đợi”.
Ngày 29/5, trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Chiến cho biết: “Hiện tại, chính quyền địa phương đang tích cực hướng dẫn Tổng công ty 36 sớm hoàn thiện hồ sơ để được cấp phép xây dựng, chứ cứ để dở dang nhiều năm như vậy, chúng tôi không yên tâm”.
Cùng ngày, trao đổi điện thoại với PV, ông Nguyễn Hồng Lợi, Chủ nhiệm Chính trị, Tổng công ty 36 cho biết: Chúng tôi “lực bất tòng tâm” bởi phía chủ đầu tư đã chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện để thi công dự án. Tuy nhiên, đã hết tháng 5, nhưng thủ tục cấp giấy phép chưa xong nên chưa thể triển khai được.
Ông Chiến cho biết thêm: Mặc dù, Tổng công ty 36 có đề xuất triển khai dự án theo cơ chế đặc thù, vừa thiết kế, vừa thi công nhưng không được cơ quan chức năng đồng ý. Đã nhiều lần, khi chủ đầu tư tiến hành thi công công trình, nhưng chưa được cấp phép xây dựng. Phường Giảng Võ đã nhắc nhở, đề nghị chủ đầu tư dừng ngay thi công, chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Chưa thể bàn giao nhà
Được biết, năm 2015, Tổng công ty 36 đề xuất phương án đầu tư xây dựng dự án có chức năng dịch vụ, thương mại và nhà ở (nhà tái định cư và nhà ở thương mại).
Cụ thể, diện tích cũ 3.086 m2 đất, nay điều chỉnh 3.015 m2 (giảm 71 m2 đất góp của nhà B7 Giảng Võ; diện tích xây dựng 1.832 m2, nay điều chỉnh thành 1.800 m2 (giảm 32 m2).
Quy mô công trình thiết kế cũ là 4 tầng hầm, khối nhà ở 19 tầng và khối văn phòng 22 tầng, nay điều chỉnh: Chuyển đổi chức năng của 02 khối công trình thành 01 khối nhà ở tái định cư và nhà ở thương mại cao 24 tầng nổi, 3 tầng hầm; tổng diện tích sàn xây dựng cũ 39.269 m2, nay điều chỉnh 43.200 m2 (tăng 3.931 m2).
Đến tận ngày 23/5/2017, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội mới có Văn bản số 3048/QHKT-TMB (KHTH) về việc chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng dự án: Diện tích 3.015 m2; diện tích xây dựng 1.8000 m2; tầng cao 24 tầng, 3 tầng hầm; tổng diện tích sàn xây dựng 43.200 m2.
Theo ông Chiến, việc chậm trễ trong thi công dự án do chủ đầu tư chưa xin cấp phép xây dựng xong. Nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã chấp thuận điều chỉnh thiết kế của dự án, hồ sơ xin cấp phép xây dựng đã được chủ đầu tư chuyển sang Sở Xây dựng. Chắc chắn, trong tháng 5 Âm lịch (tháng 6 dương lịch), dự án sẽ được cấp phép xây dựng và đi vào thi công.
“Theo đúng chỉ đạo của thành phố, bàn giao nhà cho người dân vào tháng 12/2017 sẽ không thực hiện được. Tuy nhiên, với thủ tục pháp lý đã hoàn thiện, UBND Thành phố, các cấp sở, ngành và chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện hết sức và đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công thật an toàn, hiệu quả để sớm bàn giao nhà cho người dân. Mặt khác, chúng tôi sẽ thông báo đến người dân về tiến độ thực hiện của dự án để người dân yên tâm”, ông Chiến nói.
Trong khi trên địa bàn Hà Nội nhiều dự án nhà thương mại tiếp tục mọc lên, thì dự án B6 Giảng Võ - cải tạo chung cư cũ xây mới đầu tiên áp dụng thí điểm mô hình lựa chọn chủ đầu tư, nhưng 10 năm qua vẫn ỳ ạch - giậm chân tại chỗ. Điều đó cho thấy sự bất cập trong việc thực hiện chính sách này.
Hoan Nguyễn