Các chuyên gia tham quan phối cảnh một dự án bất động sản.
Nhu cầu về không gian sống của người Việt ngày càng được nâng cao.

Đó là một số quan điểm của các chuyên gia xây dựng, quy hoạch tại Diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản – Trao chứng nhận dự án đáng sống 2024 diễn ra vào sáng 27/11.

Nơi ở mơ ước của người Việt đã thay đổi

Tại diễn đàn, PGS.TS Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, cách đây khoảng 30-40 năm, bước ra khỏi nền kinh tế bao cấp, đối với nhiều người dân Việt Nam, mơ ước về cuộc sống của họ là có được một ngôi nhà kiên cố, bền vững kiểu “nhà mái bằng, khung bê tông cốt thép”, và bên trong nhà thì có các vật dụng “ti vi, tủ lạnh, xe máy”. Hoàn cảnh kinh tế của một đất nước thời hậu chiến đã khiến người dân quan điểm một ngôi nhà đáng sống là một ngôi nhà đủ đầy các yếu tố vật chất mà họ tin rằng những yếu tố đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.

Qua thời gian, cuộc sống người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao cùng với những đổi thay tích cực của đất nước. Ngôi nhà vật chất của người dân Việt Nam cũng dần trở nên tiện nghi hơn, hấp dẫn hơn, thẩm mỹ hơn để đáp ứng nhứng nhu cầu cao hơn của họ.

“Ngôi nhà bây giờ được gắn kết vào các dự án, nghĩa là không chỉ tạo ra các ngôi nhà có chất lượng mà còn tạo ra môi trường sống chất lượng xung quanh ngôi nhà đó thông qua sự kết nối giữa những ngôi nhà với nhau, giữa ngôi nhà với các không gian công cộng như văn hóa, thể thao, giải trí, thương mại... Những mối liên hệ xã hội và kết nối không gian này, một mặt nâng cao đời sống vật chất mà còn nâng cao đời sống tinh thần của người dân, nhưng mặt khác, hình thành nên một hệ tư tưởng, quan điểm mới về các nơi chốn cư trú của người dân Việt Nam”, ông Tùng chia sẻ.

Theo chuyên gia này, chính trong bối cảnh phát triển nở rộ các dự án nhà ở đó, tính đáng sống dần được nhắc đến nhiều hơn. Các tiêu chí về chất lượng cuộc sống, hạnh phúc và mức sống tốt, thường được các bên liên quan sử dụng làm yếu tố để tạo nên sức hấp dẫn cho dự án, nhằm thu hút nhiều hơn cư dân nói chung và những cư dân chất lượng nói riêng.

Người hưởng lợi từ các dự án đó không ai khác chính là người dân và chủ đầu tư. Người dân được sống trong một không gian tiện nghi, trong lành. Chủ đầu tư khẳng định được vị thế và tính cạnh tranh trên thị trường.

Ông Tùng cho rằng, các dự án nhận được chứng nhận “Dự án đáng sống” không chỉ thỏa mãn các điều kiện cần về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất mà còn đáp ứng các điều kiện đủ về những giá trị mà dự án mang lại cho xã hội. Điều này đã góp phần giúp các nhà phát triển, các nhà đầu tư cùng với các bên liên quan đang dần bắt đầu xem giá trị xã hội trong một dự án bất động sản như một khoản đầu tư cho tương lai, chứ không chỉ đơn thuần là một loại chi phí phải bỏ ra.

Đối với các doanh nghiệp, việc được bình chọn, trao chứng nhận trong chương trình “Dự án Đáng sống” sẽ là một sự tôn vinh lớn để các doanh nghiệp, nhà phát triển dự án phấn đấu tốt hơn trong việc triển khai đầu tư các dự án trong tương lai, qua đó đóng góp chung vào cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị. Chứng nhận cũng là động lực để các chủ đầu tư giao lưu học hỏi cải thiện và hoàn thiện mình để tạo ra những dự án ngày càng tốt hơn.

Ngoài ra, chứng nhận “Dự án đáng sống” cũng góp phần xoa dịu và hòa giải những căng thẳng mà đôi lúc không thể tránh khỏi giữa chủ đầu tư và cư dân khi giúp họ cùng nhau hướng đến một mục tiêu chung - cùng nhau xây dựng, kiến tạo và củng cố tính đáng sống cho dự án “của chúng ta”, dần hình thành những nơi chốn cư trú đúng nghĩa.

Để có thể cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Để có thể cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Dự án đáng sống – Khởi đầu kiến tạo những đô thị đáng sống

Câu chuyện về dự án đáng sống cũng là khởi đầu cho câu chuyện đô thị đáng sống mà các thành phố không chỉ riêng của Việt Nam đang hướng đến.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam đánh giá, doanh nghiệp xây dựng - bất động sản Việt Nam đang từng ngày đóng góp lớn cho sự thay đổi của bộ mặt đô thị, đưa Việt Nam sánh vai cùng bạn bè quốc tế.

“Sự thực là, bộ mặt đô thị Việt Nam đã thay đổi từng ngày. Trước những năm 90 của thế kỷ trước, bộ mặt đô thị của nước ta có phần kém hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong 30 năm trở lại đây, các thành phố, đô thị của Việt Nam chúng ta đã thay đổi nhanh chóng, sánh kịp với các nước”, ông Hiệp chia sẻ.

Trước đây, việc mua nhà đơn giản chỉ là tìm một nơi để ở. Tuy nhiên, người mua hiện nay đòi hỏi nhiều hơn thế. Khách hàng hiện nay mong muốn những dự án có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầy đủ. Một khu đô thị lý tưởng phải có hệ thống trường học, siêu thị, khu vui chơi thể thao, công viên và các tiện ích khác phục vụ đời sống của cư dân.

Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các chủ đầu tư trong việc phát triển hạ tầng. Để có thể cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

“Mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bất động sản không còn chỉ dừng lại ở giá bán mà giờ đây, yếu tố chất lượng sản phẩm đang trở thành trọng tâm. Việc cải thiện tiện ích, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm không chỉ giúp các doanh nghiệp duy trì sự cạnh tranh mà còn góp phần nâng tầm thị trường bất động sản. Đây là xu hướng tích cực, đánh dấu sự trưởng thành của ngành và là điều đáng mừng cho thị trường bất động sản trong nước”, ông Hiệp nhận định.

Theo vị này, việc cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm thay vì chỉ bằng giá cả cũng giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu bền vững hơn, đáp ứng tốt hơn những kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng.

Bối cảnh mới đang tạo ra những cơ hội để các doanh nghiệp xây dựng - bất động sản khẳng định vị thế của mình trên thị trường, không ngừng cải tiến và hoàn thiện sản phẩm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Minh Tùng cho rằng, từ những mơ ước của người dân về một “ngôi nhà đáng sống” đủ đầy vật chất trong quá khứ, các doanh nghiệp đã phát triển những “dự án đáng sống” không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất mà còn mang lại những giá trị tinh thần giúp cư dân có cuộc sống chất lượng cao. Và như vậy, trong tương lai, chúng ta hoàn toàn có thể mơ ước đến những “đô thị đáng sống” được kiến tạo từ những dự án đáng sống - “những đốm lửa nhỏ sẽ dần tạo ra những trào lưu mới”.

Thuỳ An