Một góc thị xã Việt Yên.
Một góc thị xã Việt Yên

Phân khu số 4 có vị trí phía Tây Nam thị xã Việt Yên, gồm xã Tiên Sơn, xã Vân Hà và một phần nhỏ của xã Trung Sơn.

Ranh giới nghiên cứu quy hoạch được xác định với phía Bắc giáp xã Đông Lỗ huyện Hiệp Hòa; phía Nam giáp với sông Cầu; phía Tây giáp với sông Cầu; phía Đông giáp với khu vực dân cư nông thôn xã Trung Sơn và trục ĐT.398.

Quy mô lập quy hoạch khoảng 1.741ha; Quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 42.000 người.

Phân khu số 4 có tính chất là khu đô thị Dịch vụ - Du lịch, Công nghiệp mang tính động lực phía Tây của đô thị Việt Yên. Đồng thời là khu vực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và sinh thái hành lang sông Cầu, đầu mối giao lưu văn hóa quan họ với vùng Kinh Bắc.

Toàn phân khu được phân vùng thành 3 tiểu khu (3 đơn vị ở, 2 nhóm ở) trên cơ sở khai thác gắn các yếu tố về địa hình, cảnh quan sinh thái tự nhiên, tiềm năng, lợi thế, động lực phát triển, hệ thống hạ tầng khung để đề xuất các chức năng riêng biệt cho từng phân vùng phát triển và đảm bảo tiêu chuẩn hình thành các đơn vị ở và chỉ tiêu theo quy định:

Tiểu khu I (1 đơn vị ở): Bao gồm phần lớn diện tích ở phía Nam, Đông Nam xã Tiên Sơn và một phần phía Bắc xã Vân Hà. Là một trong các khu vực mang nét đặc trưng riêng của thị xã Việt Yên, trong đó nổi bậc là quần thể chùa Bổ Đà (di tích đặc biệt cấp Quốc gia) là trung tâm phát triển du lịch văn hóa tín ngưỡng khu vực phía Tây thị xã Việt Yên; đây cũng là một trong các mắt xích quan trọng trong chuỗi hình thành tuyến du lịch kết nối từ Bắc Ninh – Làng cổ Thổ Hà – Bổ Đà – sân Golf Việt Yên – trung tâm du lịch mới phía Đông (khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng vui chơi giải trí dọc suối Hoàng Thanh). Là trung tâm văn hóa đặc trưng gắn với vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao với các điều kiện tốt nhất đem lại hiệu quả cũng như các lợi ích cho môi trường và con người. Tạo lập không gian mở kết nối khu vực làng xóm hiện hữu, vùng sản xuất nông nghiệp với cảnh quan đồi núi thấp và quần thể di tích chùa Bổ Đà.

Quy mô quy hoạch 1.004,83ha

Dân số khoảng: 14.650 người

Tiểu khu II (1 đơn vị ở): Bao gồm phần lớn diện tích xã Vân Hà. Là xã ven sông Cầu mang yếu tố văn hóa làng cổ với nhiều nét đặc trưng riêng, là một trong các địa điểm thu hút du lịch hấp dẫn; là một trong những xã có làng nghề truyền thống của thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang như: Nghề truyền thống nấu rượu, nghề làm bánh đa nem, mỳ; nghề làm bánh đa nướng ...nổi tiếng trong cả nước.

Quy mô quy hoạch: 229,37ha

Dân số khoảng: 10.540 người

Tiểu khu III (1 đơn vị ở, 2 nhóm ở): Bao gồm diện tích phía Tây xã Tiên Sơn. Cải tạo nâng cấp các khu dân cư hiện trạng và hạ tầng xã hội phía Tây xã Tiên Sơn. Phát triển đơn vị ở gắn với các khu đô thị và công nghiệp mới. Thông qua cầu Hà Bắc 1, cầu Hà Bắc 2 qua sông Cầu sẽ kết nối đô thị Việt Yên với thành phố Bắc Ninh. Khai thác tiềm năng và lợi thế về sự phát triển lan tỏa kinh tế (đô thị, thương mại dịch vụ, công nghiệp, làng nghề truyền thống), văn hóa, du lịch sinh thái để giao thương và tạo động lực phát triển KT-XH…

Quy mô quy hoạch: 506,80ha

Dân số khoảng: 16.810 người.

Các trục không gian chính ĐT.398 kết nối các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng với QL.37 qua địa phận tỉnh Hải Dương và QL18 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh; qua địa bàn thị xã Việt Yên kết nối Khu công nghiệp Quang Châu, Tiên Sơn – Ninh Sơn với các vùng bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể phía Nam của thị xã, đồng thời kết nối các khu công nghiệp phía Tây của huyện Hiệp Hòa đi vùng công nghiệp tại thành phố Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên.

Quy hoạch chung đô thị Việt Yên đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tính chất là đô thị thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang gắn với động lực phát triển chủ yếu gồm công nghiệp, thương mại, dịch vụ và logistics. Là đô thị cửa ngõ và là đầu mối giao thông đường bộ phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang; phía Đông Bắc của vùng Thủ đô; có vai trò quan trọng về an ninh quốc phòng của vùng Thủ đô Hà Nội. Tầm nhìn đô thị một thành phố “công nghiệp, dịch vụ năng động” với các trung tâm chuyên ngành cấp tỉnh và vùng, có vai trò động lực liên vùng về công nghiệp, thương mại, dịch vụ và logistics; là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật, góp phần phát triển vùng công nghiệp dịch vụ và đô thị phía Tây Nam tỉnh Bắc Giang.

An Nguyên