Báo cáo có nội dung cụ thể như sau: Địa bàn TP. Hà Nội và TP. HCM đang triển khai thực hiện đầu tư 06 tuyến đường sắt đô thị, trong đó Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) 02 dự án; UBND TP. Hà Nội 02 dự án và UBND TP. HCM 02 dự án.

Ngoại trừ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác vào tháng 10/2021, 05 tuyến đường sắt còn lại đều đang giai đoạn xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư dù đều được khởi động từ 05 đến 10 năm trước.

Ảnh minh họa Báo Đầu tư
Ảnh minh họa Báo Đầu tư.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008. Sau khi điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án là 18.001,5 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành công tác nghiệm thu công trình xây dựng, Bộ GTVT đã bàn giao cho UBND TP. Hà Nội đưa vào vận hành khai thác tháng 11/2021.

Theo báo cáo của đơn vị vận hành khai thác cho thấy hiệu quả khai thác vận tải hành khách khu vực được nâng cao: sau 10 tháng vận hành khai thác 06 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu 10 phút, vận chuyển được 5,45 triệu hành khách, bình quân 18.300 hành khách/ngày, tỷ lệ sử dụng vé tháng bình quân trong ngày chiếm 55-60%, giờ cao điểm 75-80%.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả vận hành khai thác tuyến đường sắt, đơn vị khai thác đã triển khai điều chỉnh biểu đồ chạy tàu từ ngày 01/09/2022 để vận hành khai thác 9 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu 6 phút.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được UBND TP. Hà Nội phê duyệt đầu tư dự án năm 2009, phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2019, 2020  với tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro.

Dự án có 10 gói thầu chính, gồm 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị  (05 gói thầu xây lắp, 04 gói thầu thiết bị) và 01 gói Tư vấn thực hiện dự án.

Đến nay, đã hoàn thành công tác ký hợp đồng và triển khai thi công 9/9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị (trong đó gói thầu CP01 và CP04 đã thi công xong, hiện đang hoàn thiện hồ sơ hoàn công). Tiến độ chung dự án đạt khoảng 75,28%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 96,8%. Đến nay, 9/10 hợp đồng các gói thầu cần phải ký kết các phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.

Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đang triển khai rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh kéo thời gian thực hiện dự án đến năm 2027, trong đó: Khai thác, vận hành đoạn trên cao từ cuối năm 2022; khai thác, vận hành toàn tuyến từ năm 2027; điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng (tăng thêm 1.916 tỷ đồng), trong đó phần vốn ngân sách Thành phố tăng: 3.895,9 tỷ đồng ; phần vốn vay ODA giảm 1.979,9 tỷ đồng.

Lễ kéo cáp sẽ đưa tuyến metro số 1 bước sang một giai đoạn mới. Ảnh PLO
Lễ kéo cáp sẽ đưa tuyến metro số 1Bến Thành - Suối Tiên bước sang một giai đoạn mới. Ảnh PLO.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, TP. HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được UBND TP. HCM phê duyệt dự án năm 2007, phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2008, 2011, 2019, 2021  với tổng mức đầu tư 43.757,15 tỷ đồng.

Lũy kế khối lượng tổng thể của toàn dự án đạt khoảng 92,19%, dự kiến đến cuối năm 2022 đạt khoảng 93%. UBND TP. HCM đag đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép tiến hành thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án. Theo đó, thời gian hoàn thành thi công là cuối quý IV/2023; thời gian kết thúc dự án là từ năm 2024 đến hết năm 2028.

Dự án giải ngân quá chậm

Dự án đầu tư Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, TP. HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lươngđược UBND TP. HCM phê duyệt năm 2010, phê duyệt điều chỉnh năm 2013, 2019  với tổng mức đầu tư 47.890,840 tỷ đồng.

Lũy kế giải ngân vốn ODA từ đầu dự án đến ngày 16/09/2022 là  931,6/37.468 tỷ đồng, đạt 2,5% trên tổng vốn đầu tư; lũy kế giải ngân từ kế hoạch vốn đối ứng từ đầu dự án đến ngày 16/09/2022 là 4.613,1/10.403,8 tỷ đồng, đạt 35,38%  trên tổng vốn đầu tư.

Căn cứ theo tiến độ thực tế của dự án đã được các nhà tài trợ thống nhất theo quy định hiện hành của Việt Nam, UBND TP. HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép tiến hành thủ tục và phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án với thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2030. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các Bộ về điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư năm 2008  với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân kế hoạch vốn của dự án năm 2022 đến hết 31/08/2022 là 20 tỷ đồng (vốn trong nước); lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến ngày 31/08/2022 là 890,9 tỷ đồng.

UBND TP. Hà Nội đang triển khai rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất để trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án gồm: điều chỉnh phương án vị trí, tổng mặt bằng ga ngầm C9 khỏi vùng bảo vệ II để giảm thiểu ảnh hưởng đến di tích Hồ Hoàn Kiếm; điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678 tỷ đồng (tăng thêm 16.123 tỷ đồng).

Dự án được phê duyệt đầu tư đã 22 năm vẫn đề nghị làm rõ cơ quan chủ quản đầu tư là Bộ GTVT hay UBND TP. Hà Nội

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi, giai đoạn I được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2008, điều chỉnh dự án đầu tư năm 2017 với tổng mức đầu tư 19.046 tỷ đồng.

Do dự án có quy mô lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp, quá trình triển khai đầu tư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến vị trí, phương án kiến trúc cầu đường sắt mới vượt sông Hồng, hướng tuyến đoạn ga Gia Lâm đến ga Nam Long Biên; công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật khó khăn.

Trong quá trình thực hiện, phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia gặp nhiều khó khăn nên có nhiều ý kiến băn khoăn về thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng để báo cáo Quốc hội tương tự như các dự án đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. HCM.

Bên cạnh đó, đây là dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội, nên còn có ý kiến đề nghị làm rõ  cơ quan chủ quản đầu tư là Bộ GTVT hay UBND TP. Hà Nội để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đường sắt; làm rõ cơ chế tài chính của dự án (nhất là cơ quan vay lại) để hạn chế các vướng mắc theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công; xem xét điều chỉnh công năng các ga đường sắt trong khu đầu mối TP. Hà Nội…

Thạch Thảo (t/h)