Ông Vượng cho biết đến nay ngành điện đã cơ bản đáp ứng đủ điện khi tổng công suất hệ thống đạt trên 45.000 MW.

Tuy nhiên, dự báo giai đoạn 2020-2035, GDP tăng trưởng bình quân hơn 7%, thì năm 2025 phải cung ứng 137-147 triệu tấn dầu, năm 2035 cung ứng 218-238 triệu tấn dầu, trong khi hiện mới sản xuất được hơn 20 triệu tấn dầu quy đổi mỗi năm.

Dự báo giai đoạn 2020-2035 sẽ thiếu điện trầm trọng - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Tương ứng là lượng điện thương phẩm tới năm 2025 toàn hệ thống phải đáp ứng 337-348 tỉ kWh, năm 2030-2035 đạt từ 500-600 tỉ kWh, nhưng hiện mới đáp ứng hơn 200 tỉ kWh.

Có nghĩa là hệ thống điện tới năm 2025 phải đạt công suất hơn 96.000 MW, năm 2030 là 130.000 MW, trong khi hiện nay mới đạt 45.000 MW. 

"Trong 15 năm tới, mỗi năm cần bổ sung công suất mới 6.000-7.000 MW, nhu cầu đầu tư cho các nhà máy điện cần khoảng 10 tỉ USD mỗi năm, chưa kể hệ thống truyền tải, phân phối… Điều đó gây áp lực rất lớn cho các tập đoàn năng lượng với năng lực tài chính hạn chế, thu hút vốn nước ngoài vào ngành năng lượng khó khăn", ông Vượng nêu vấn đề. 

Chia sẻ với nỗi khó khăn của ngành điện, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng bài toán vốn là "vô cùng nan giải" bởi với mức tăng trưởng 11-12%, mỗi năm cần ít nhất 10 tỉ USD phát triển các dự án điện và tới năm 2035 cần ít nhất 60 tỉ USD. 

"Với tỉ lệ nợ công như hiện nay, không có ngân sách nào chịu nổi. Vậy lấy đâu cho phát triển các dự án điện?", ông Bình đặt câu hỏi và đưa ra gợi ý là tới đây cần khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào dự án điện. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng nêu ra bài toán khó cho việc thu hút đầu tư vào ngành điện. 

Theo ông Vượng, hiện có 4 nhà máy điện BOT đưa vào sản xuất, 14 dự án khác đang trong quá trình đàm phán nhưng hầu hết không thực hiện theo đúng tiến độ dẫn tới kéo theo nguy cơ thời gian tới năm 2021-2025 sẽ khó khăn trong cung ứng điện, phát triển ngành năng lượng sẽ thách thức, phải nhập điện từ Lào, Trung Quốc...

Ông Vượng trần tình là "đi đâu cũng nói không được làm nhà máy điện than, thủy điện gây ngập lụt không nên phát triển nữa trong khi năng lượng tái tạo chi phí cao chưa thể phát triển nhanh. Rõ ràng phát triển năng lượng gặp thách thức lớn". 

Dẫn chứng thực tế là để xin được địa điểm xây dựng nhà máy nhiệt điện than rất khó, vì nhiều địa phương nói không với nhiệt điện.

Do đó, với các dự án ngành năng lượng quy mô lớn, thời gian thi công kéo dài, ông Vượng kiến nghị Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn, trong đó đề nghị Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo về năng lượng. 

Nhìn nhận khó khăn của ngành điện về thu hút đầu tư, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết để đảm bảo không thiếu điện trong tương lai Chính phủ đã rà soát, điều chỉnh bổ sung, chuẩn bị lập quy hoạch điện VIII. 

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng cần xây dựng kế hoạch và huy động nguồn vốn trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội để đầu tư các dự án nguồn điện, mua điện từ Lào.

Gắn với đó là cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án ngành điện và trọng điểm khác, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển mạnh nguồn điện tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, xử lý thiên tai...

Bảo Ngọc T/h