Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tổng nguồn cung căn hộ mới giảm từ gần 180 ngàn sản phẩm (năm 2018) xuống còn hơn 50 ngàn sản phẩm (năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19). Năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48,500 sản phẩm, tương đương hơn 20% so với năm 2018. Quý IV năm 2022, nguồn cung sụt giảm kỷ lục với gần 7.000 sản phẩm.

Trong khi đó, thị trường hiện đang thiếu chính sách để điều tiết, định hướng tiêu dùng, hạn chế đầu cơ. Không có chính sách để hạn chế sản phẩm, dự án cao cấp. Ngược lại cũng không có chính sách phát triển nhà ở bình dân, nhà ở xã hội khiến cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn. Theo Báo cáo của VARS, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần từ gần 19% (năm 2019) xuống còn 4% trong năm 2022. Tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, gần như vắng bóng các dự án nhà ở giá phù hợp với nhu cầu người dân.

Thống kê sơ bộ số lượng dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước phải tạm dừng lên đến cả ngàn dự án, với giá trị đầu tư khoảng 800 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 30 tỷ $, trong đó có cả những dự án phát triển nhà ở xã hội).

Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường năm 2022 đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, chỉ bằng 17% so với lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV/2022, tỷ lệ hấp thụ chỉ ở mức hơn 14%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm. Trong tháng 01/2023, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ước đạt rất nhỏ, mức thấp kỷ lục, không đáng để thống kê.

Điều đó cho thấy, nhiều vấn đề liên quan đến việc vướng mắc về pháp lý và sự mất cân đối trong cấu trúc thị trường BĐS thời gian vừa qua đang ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chưa bao giờ cụm từ "hỗ trợ", "giải cứu thị trường BĐS" xuất hiện nhiều như hiện nay. Nó cho thấy sự bất thường của thị trường BĐS có thể gây ra những hệ lụy cho nền kinh tế.

Để tháo gỡ vướng mắc lĩnh vực BĐS, cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, hỏi học từ quốc tế và tiếp cận đa chiều và đưa ra hai nhóm chính sách, ngắn hạn và dài hạn. TS. Cấn Văn Lực cho hay.

Về nhóm giải pháp ngắn hạn là những chính sách tập trung tháo gỡ vấn đề đang nóng nhất của thị trường, gồm pháp lý và vốn. Nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý thì hàng trăm dự án được giải toả, dòng tiền từ đây mà ra. Trong đó, tháo gỡ được vấn đề pháp lý chính là củng cố niềm tin cho thị trường. Sau hàng loạt cuộc họp của Chính phủ thì các địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Về vốn cho thị trường BĐS, TS. Cấn Văn Lực, cho rằng, nóng nhất chính là vấn đề trái phiếu. Theo tính toán, khoảng 120.000 tỷ đồng trái phiếu BĐS đáo hạn trong năm 2023, sang năm 2024 là khoảng 110.000 tỷ đồng. Mua lại lượng trái phiếu này đang gây áp lực rất lớn cho các nhà đầu tư BĐS.

Còn về vốn tín dụng cho lĩnh vực BĐS, TS. Cấn Văn Lực đề xuất cho phép cơ cấu lại nợ, giữ nhóm nợ. Việc này có thể gây ý kiến trái chiều vì nhiều ngành cũng ở hoàn cảnh cần cơ cấu nợ. Trong khi đó chuyên gia này không ủng hộ nới room tín dụng cho lĩnh vực BĐS, vì năm 2022 tín dụng cả hệ thống tăng trưởng 14,5%, riêng tín dụng cho BĐS đã tăng trưởng 24,2% thì năm nay không thể cao hơn. Vấn đề của BĐS là tắc ở trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Chính phủ đã vào cuộc một cách quyết liệt và mạnh mẽ. Điều này đang hé ra những điểm sáng nhất định. Sắp tới, thị trường BĐS sẽ đón 02 gói tín dụng hỗ trợ phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân giúp thị trường dần hồi phục.

Với hàng loạt điểm nghẽn về pháp lý, chính sách tín dụng được khẩn trương tháo gỡ, áp dụng trong thời gian tới, các chuyên gia nhận định từ quý III/2023 trở đi thị trường BĐS sẽ ấm lên và khởi sắc.

Thuận Yến