Khi chính thức ban hành, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Hiện tại, các quy định về dạy thêm, học thêm thực hiện theo Thông tư 17. Theo đó, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình, nếu chưa được hiệu trưởng cho phép.

Dự kiến cho phép giáo viên dạy thêm bên ngoài với học sinh của lớp mình. Ảnh minh họa.
Dự kiến cho phép giáo viên dạy thêm bên ngoài với học sinh của lớp mình. Ảnh minh họa.

Trong dự thảo, giáo viên chỉ cần cần báo cáo và lập danh sách (gồm họ tên, lớp của học sinh) gửi hiệu trưởng, đồng thời cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép các em học thêm. Giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.

Trong thông tư 17 nêu yêu cầu không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Dự thảo mới đã bỏ điều này.

Với việc dạy thêm trong trường, dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có một số điểm mới.

Cụ thể, tổng thời lượng dạy chính khóa và dạy thêm trong trường không quá 35 tiết mỗi tuần với cấp tiểu học, 42 tiết với THCS và 48 tiết với THPT. Quy định hiện hành không đề cập việc này.

Trường học sẽ thu tiền học thêm theo mức mà HĐND cấp tỉnh quy định, thay vì được chủ động mức thu dựa trên thỏa thuận với phụ huynh như hiện nay.

Tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh, công khai các môn sẽ dạy cùng thời lượng, học phí, thời gian, địa điểm và danh sách giáo viên. Hiện, việc này không cần đăng ký kinh doanh.

Dự thảo của Bộ còn một số điều chỉnh về quy trình cấp giấy phép dạy thêm, học thêm; cho phép hiệu trưởng dạy thêm nếu được cấp trên đồng ý.

Các nguyên tắc về tổ chức dạy thêm gần như không thay đổi, chẳng hạn không ép buộc học sinh; thời lượng và địa điểm dạy phải phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, đảm bảo sức khỏe học sinh; không cắt giảm nội dung chính khóa để đưa vào dạy thêm; không dạy trước chương trình...

Thời gian qua, nhiều đại biểu quốc hội và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng học thêm là nhu cầu thực tế. Do đó, các bên đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò.

Minh Đức