THCL Mất tiền vé thắng cảnh, vé tàu du lịch khi tham quan Vịnh Hạ Long, nhưng du khách lại bị các chủ tàu du lịch đã dùng tre, gỗ, dây thừng chắn ngang lối cầu thang lên boong tàu, cấm lên ngắm cảnh. Chưa hết, du khách còn “kêu trời” với những cái giá “cắt cổ”!

Các chủ tàu chặn lối lên boong tàu ngắm cảnh của du khách

“Cụt hứng” vì bị cấm… ngắm

Ngày 6/6/2016, PCT UBND TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã ký Văn bản số 812 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn đối với tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long trong mùa mưa bão.

Theo nội dung của văn bản thì khách du lịch không được đứng, ngồi trên mui, mạn tàu khi đang trong hành trình. Để thực hiện đúng như chỉ đạo của văn bản, các chủ tàu du lịch đã dùng tre, gỗ, dây thừng chắn ngang lối cầu thang khách du lịch đi lên boong tàu. Việc làm này khiến nhiều khách bức xúc, “cụt hứng” khi tham gia hành trình thăm quan, ngắm cảnh Vịnh Hạ Long.

“Phút giây sảng khoái, thư thái nhất của du khách khi đi du ngoạn trên Vịnh Hạ Long là lên nóc (boong) tàu để hưởng không khí tự nhiên, gió trời thì giờ đây lại bị "ngăn sông cấm chợ"”, anh Hải, một khách du lịch vừa thăm quan Vịnh Hạ Long nói.

Ngày 13/06/2016, tại Văn bản số 2559/SGTVT-QLVT của Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh có nêu rõ: “Tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long được thiết kế có boong dạo (trên nóc khoang khách), cơ quan thiết kế đã tính toán ở trạng thái 100% khách (theo trọng tải thiết kế tàu) lên boong dạo vẫn bảo đảm ổn định, được Cục Đăng kiểm thẩm định, cấp giấy chứng nhận duyệt thiết kế đóng mới phương tiện thủy nội địa. UBND tỉnh còn quy định toàn bộ tàu du lịch (tham quan) phải đạt hệ số an toàn ổn định ở mọi trạng thái (hệ số K) tối thiểu đạt 1, 50 cao hơn quy phạm đăng kiểm. Do vậy, việc du khách lên ngắm cảnh trên boong dạo khi tàu đang hoạt động ổn định trên luồng trong điều kiện bình thường không ảnh hưởng đến ổn định của tàu.

Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách, thuyền viên cần hướng dẫn, điều tiết lượng khách lên boong dạo phù hợp với từng thời điểm. Trường hợp tàu đang vào, ra cảng bến hoặc trong điều kiện thời tiết cực đoan (sóng, gió), du khách phải vào trong khoang khách ngồi ổn định”.

Như vậy, theo văn bản trên thì việc du khách lên boong tàu chụp ảnh, ngắm cảnh vẫn được diễn ra bình thường, nhưng các chủ tàu phải có các phương án hợp lý để bảo đảm an toàn cho khách trong quá trình tham quan tại tàu. Ở đây, việc các chủ tàu du lịch đã dùng tre, gỗ, dây thừng chắn ngang lối cầu thang khách du lịch đi lên boong tàu là hoàn toàn vô lý, không đúng theo văn bản.

Sở Du lịch “đá bóng” trách nhiệm?

Liên quan tới vấn đề du lịch trên Vịnh Hạ Long, ngày 1/6/2016, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Chi hội Du thuyền Hạ Long và chủ tàu, thuyền các tàu du lịch trên Vịnh ký cam kết văn minh du lịch trong dịch vụ đưa đón khách tham quan trên di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Nhưng ngay chiều 1/6, tình trạng chặt chém vẫn tiếp tục xảy ra trên Vịnh Hạ Long.

Ngày 2/6/2016, Thương hiệu & Công luận có bài phản ánh về tình trạng chặt chém khách du lịch trên tàu Phương Hằng trong hành trình du lịch khám phá Vịnh Hạ Long. Cùng với đó là ghi nhận thực tế của phóng viên tại quầy hàng của BQL Vịnh Hạ Long cũng bị chặt chém.

Nhằm thông tin hai chiều, phóng viên đã “năm lần bảy lượt” liên hệ với ông Trịnh Đăng Thanh, PGĐ Sở Du lịch Quảng Ninh, phụ trách điều hành để đặt lịch làm việc, nhưng ông Thanh đều nói lý do bận họp, sau đó có cho PV số điện thoại liên lạc với ông Lê Minh Tân, PGĐ Sở Du lịch Quảng Ninh, rằng “đồng chí Tân sẽ làm việc với báo chí về vấn đề này!”.

Liên hệ với ông Tân, ông cho biết “công việc rất bận, sẽ đặt lịch làm việc với PV sau”. Thế nhưng, sau gần 20 ngày bài báo đăng, PV không hề nhận được hồi âm từ phía lãnh đạo Sở Du lịch?

Liệu rằng, việc đùn đẩy trách nhiệm và “né tránh” thông tin cho cơ quan báo chí - có phải là cách mà Sở Du lịch Quảng Ninh đang muốn xử lý nghiêm tình trạng chặt chém du khách?.

Khánh Yên - Trang Trần