Du lịch xứ Thanh
Tỉnh Thanh Hóa đang tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch truyền thống, du lịch thế mạnh

Trong các sản phẩm du lịch đã đưa vào khai thác, du lịch biển Thanh Hóa đã tạo dựng được thương hiệu nổi bật tại khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, trở thành sản phẩm du lịch có quy mô, sức cạnh tranh, khả năng thu hút khách.

Hiện, Sầm Sơn được xem là “nam châm” thu hút khách du lịch về với Thanh Hóa, khi thành phố luôn chiếm từ 65% - 70% tổng số lượt khách du lịch toàn tỉnh. Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cũng được đầu tư hệ thống đường kết nối, cơ sở vật chất kỹ thuật khang trang, dịch vụ phong phú và trở thành “hạt nhân” có khả năng lan tỏa và thu hút đông đảo khách du lịch về với Thanh Hóa. 

Để tạo cơ sở thúc đẩy sản phẩm chủ lực này phát triển, vài năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội, nghệ thuật lớn, độc đáo, ấn tượng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, góp phần kích cầu du lịch.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ du lịch, giữ vững hình ảnh du lịch Thanh Hóa hấp dẫn, thân thiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo các điều kiện đón, phục vụ khách du lịch tại các khu du lịch biển đã được siết chặt trật tự, kỷ cương, tăng cường công tác quản lý các dịch vụ. Các địa phương đã chủ động, tích cực rà soát, bổ sung, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều phương án quản lý dịch vụ du lịch tại các khu du lịch biển.

Cùng với du lịch biển, xứ Thanh cũng nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Với thế mạnh có nhiều kho tàng di sản văn hóa giàu giá trị là cơ sở để tỉnh đầu tư khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch này. Hằng năm, tỉnh đã phê duyệt danh mục và triển khai dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, tập trung ưu tiên các di tích cách mạng, di tích lịch sử văn hóa có giá trị khai thác phục vụ du lịch.

Nhiều dự án đầu tư, tu bổ di tích được triển khai thực hiện góp phần nâng cao giá trị di tích và tạo ra nhiều điểm đến hấp dẫn. Song song với đó, một số đề án nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa đã được tỉnh phê duyệt, hoặc đang nghiên cứu xây dựng, như: Đề án phát triển Khu du lịch di tích quốc gia đền Bà Triệu; Đề án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ Đông Sơn... hứa hẹn sẽ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch văn hóa.

Ngoài các sản phẩm chủ lực và có thế mạnh kể trên, một số địa phương, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cũng chủ động xây dựng và đưa vào khai thác nhiều sản phẩm mới.

Điển hình trong đó phải kể đến du lịch làng nghề truyền thống dựa trên 116 làng nghề; 322 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và 16 điểm cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận.

Cùng với đó là sản phẩm du lịch nông nghiệp, trong đó có nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch đã đưa vào khai thác mang lại hiệu quả bước đầu (Nông trại Queen Farm, Nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc, Nông trại T-Farm, Nông trại Golden Cow, Nông trại Ánh Dương...).

Ngoài ra, các tuyến du lịch Làng cổ Đông Sơn; trải nghiệm đồng quê, Làng văn hóa dân tộc xứ Thanh, Xứ Thanh Eco-villa, khu vui chơi Linh Kỳ Mộc và các hoạt động văn hóa - nghệ thuật tại Công viên Hội An (TP Thanh Hóa); Làng du lịch Yên Trung (Yên Định), tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - Đảo Nẹ (Hoằng Hóa)... đều là những sản phẩm hứa hẹn sẽ đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Với sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và người dân, du lịch Thanh Hóa tiếp tục duy trì đà phục hồi mạnh mẽ. Kết quả, tổng lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,354 triệu lượt (trong đó khách quốc tế ước đạt 214,6 nghìn lượt); tổng thu du lịch ước đạt 15.072 tỷ đồng.

Lê Nam