Doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH bị tính lãi cao
Cụ thể, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH bị tính lãi cao, phạt nặng là một trong những những đề xuất đáng chú ý tại dự thảo mới này.
Theo đó, người sử dụng lao động có hành vi chậm, trốn đóng BHXH còn có thể xử lý bằng các biện pháp sau:
- Tính lãi 0.03%/ngày trên số tiền trốn đóng: Đối với người sử dụng lao động có hành vi không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau thời hạn chậm nhất. Cùng với đó, người sử dụng lao động vẫn phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử ý vi phạm hành chính theo quy định.
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn: Đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BXH từ 6 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng.
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh: Đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng.
- Cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định về việc người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Bổ sung thêm nhiều đối tượng được doanh nghiệp đóng BHXH
Theo Tờ trình 527/TTr-CP của Chính phủ về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự thảo mới đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bằng việc bổ sung thêm các đối tượng như:
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
- Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt).
- Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.
Với quy định trên, doanh nghiệp sẽ phải lập hồ sơ đăng ký tham gia và đóng bảo hiểm xã hội bổ sung cho một bộ phận lao động tại doanh nghiệp như: người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ không hưởng tiền lương; lao động không trọn thời gian; trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng đảm bảo nội dung để được coi là hợp đồng lao động.
Dự kiến, doanh nghiệp sẽ phải bỏ thêm một khoản chi phí không nhỏ để đảm bảo đóng bảo hiểm đầy đủ cho người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thay đổi về tiền lương đóng BHXH tối thiếu, tối đa cho người lao động
Theo đề xuất mới tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đã được quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Phương Thảo(t/h)