Theo ĐB Hoa, trong chuỗi giá trị của quy trình phát triển chăn nuôi bao gồm khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trong toàn bộ dự thảo luật, khâu chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi bị bỏ qua.
“Những vấn đề liên quan tới sai phạm trong khâu chế biến thành phẩm từ chăn nuôi có thể gây hại cho sức khỏe con người mà hiện nay cử tri đang rất quan tâm thì lại không được đưa vào nội dung trong Điều 7 - điều cấm. Tôi xin đề nghị bổ sung khâu chế biến sản phẩm chăn nuôi vào Điều 1 phạm vi điều chỉnh. Thứ hai, bổ sung một chương về quản lý hoạt động chế biến sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt, trong Điều 7, tôi đề nghị bổ sung một khoản cấm liên quan tới những vi phạm về an toàn trong khâu chế biến các thành phẩm từ chăn nuôi”, ĐB Hoa góp ý.
Liên quan tới quản lý thức ăn chăn nuôi. Việt Nam đứng thứ nhất trong khối ASEAN và đứng thứ 10 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, trong khi đó Thái Lan chỉ đứng thứ 2. Tuy nhiên có một nghịch lý, là đất nước nông nghiệp nhưng Việt Nam lại phải nhập khẩu nguyên liệu để chế biến như ngô, sắn, đậu tương. Theo số liệu năm 2015, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp khoảng 18 triệu tấn thì nước ta phải nhập khẩu 15 triệu tấn.
Thêm vào đó, sự phân bố của các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi hiện nay chưa phù hợp giữa các vùng miền, vì vậy, giá bán thức ăn chăn nuôi hầu như đang có sự chênh lệch. Tổng số nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là 218 nhưng khu vực đồng bằng Bắc Bộ có 96 nhà máy, khu vực Đông Nam Bộ 48 nhà máy, khu vực Tây Nguyên hầu như không có, đây là một bất cập.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm về điều kiện kinh doanh, chất lượng và an toàn thực phẩm thức ăn chăn nuôi chưa thực hiện tốt và các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Một số nước có quy định nghiêm về chất lượng thức ăn chăn nuôi. Như Thái Lan có Luật Kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi, thành lập Ủy ban Kiểm soát thức ăn chăn nuôi, quy định rõ việc đăng ký sản xuất, xuất, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, kiểm soát đặc biệt. Còn Trung Quốc quy định cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi phải kiểm tra nguyên liệu thô, thức ăn đơn, chất bổ sung và nghiêm cấm sử dụng các thành phần không có trong danh mục.
“Từ thực tế trên, tôi đề nghị luật cần có các quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng thức ăn chăn nuôi và quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh cho rõ ràng và khả thi hơn”, ĐB Hoa nhấn mạnh.
T.Nguyên