Sẽ bị phạt tới 200 triệu đồng nếu sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi - Hình 1

Ảnh minh họa

Các quy định mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 22/6/2018.

Theo Nghị định, mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức cao nhất là 200 triệu đồng đối với các doanh nghiệp và 100 triệu đồng đối với cá nhân.

Đây là mức phạt khi vi phạm sử dụng chất cấm trong sản xuất, gia công và mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản khi cơ quan tố tụng không khởi tố vụ án hình sự.

Bên cạnh đó, các cá nhân và doanh nghiệp vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm.

Đồng thời cá nhân và doanh nghiệp vi phạm phải khắc phục hậu quả như thu hồi sản phẩm, buộc tái chế sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, chuyển đổi mục đích hoặc buộc tiêu hủy sản phẩm…

Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm quy định theo Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản gồm các vi phạm về sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản; mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản; nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản; khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản; sản xuất, gia công, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản quá hạn sử dụng; sử dụng kháng sinh, chất cấm trong sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thủy sản; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; vi phạm các quy định về quản lý và bảo tồn nguồn gen vật nuôi; khai thác và bảo tồn nguồn gen vật nuôi quý hiếm; khảo nghiệm, kiểm định giống vật nuôi mới; sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi; quản lý chất lượng giống vật nuôi.

Hồng Lĩnh