Thời gian qua, do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine mà giá lúa mì, ngô toàn cầu đã tăng vọt, khiến rất nhiều người dân không thể mua được lương thực cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, khi thời tiết tại các khu vực trồng lúa ở châu Á ngày một trở nên quá thuận lợi thì một số quốc gia ở khu vực này lại phải đối mặt với một vấn đề trái ngược, đó là tình trạng dư thừa gạo, dễ gây tác động đến nguồn thu xuất khẩu.
Đứng đầu danh sách các quốc gia phải đối mặt với vấn đề trên là Thái Lan, với 420 USD một tấn thì giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang dao động trong biên độ vài phần trăm so với giá đầu năm 2021. Cùng lúc, Ấn Độ cũng đang nỗ lực bán ra quốc tế nhiều gạo hơn hậu áp dụng lệnh cấm xuất khẩu lúa mì và trong vài năm qua, quốc gia này cũng đã thành công bán ra trung bình 22 triệu tấn gạo mỗi năm, chiếm 50% toàn cầu.
Trên thực tế, cuộc cạnh tranh về giá gạo vốn dĩ đã vô cùng khốc liệt. Theo giới thương nhân, do chi phí sản xuất cao nên Thái Lan đang chào giá 420 USD/tấn nhưng về phía Ấn Độ, quốc gia này có thể đưa ra mức giá chỉ 343 USD/tấn – thấp hơn nhiều so với mức 388 USD của Pakistan hay 418 USD của Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự đoán, sau vụ thu hoạch chính rơi vào tháng 10 sắp tới và có thể thu về 24 tiệu tấn thóc của Thái Lan thì giá gạo thế giới sẽ tiếp tục chịu áp lực.
Theo đánh giá của một nhà xuất khẩu tại Thái Lan, 2022 sẽ tiếp tục là một năm thảm họa bởi không ai có thể dự báo được giá gạo sẽ giảm sâu đến mức nào. Điều này đã khiến chính phủ Thái Lan bắt buộc phải có kế hoạch can thiệp để hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, không phải ai cũng tán đồng quan điểm giá gạo sẽ ở vẫn duy trì mức thấp khi một bộ phận cho rằng sự thiếu hụt phân bón có thể khiến giá gạo dần tăng lên.
Nga là nước xuất khẩu số một thế giới về nitơ, thứ hai về kali và thứ ba về phốt pho – những thành phần chính của phân bón và những mặt hàng này đều đang ở trong tình trạng khan hiếm, đắt đỏ hơn do Nga hiện phải hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Ông Akio Shibata – chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên ở Nhật Bản – cho rằng châu Á không thể cứ lạc quan về nguồn cung mặt hàng chủ lực đồng thời đưa ra cảnh báo: “Nếu giá phân bón tiếp tục tăng và nguồn cung bị gián đoạn, giá gạo có thể sẽ tăng theo giá lúa mì và ngô.”
Với việc nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn phân bón mỗi năm thì nông dân Thái Lan đang được cho là nhóm đối tượng thường chịu sự phụ thuộc lớn vào thuốc trừ sâu, phân bón hóa học đắt tiền. Điều này là một khác biệt rất lớn của nông dân Thái Lan khi so sánh với các đối thủ như Việt Nam, Ấn Độ. Bởi lẽ trong nhiều năm, Việt Nam đã tập trung nghiên cứu để phát triển các giống lúa mới cũng như các kỹ thuật gieo trồng giúp cắt giảm chi phí sản xuất. Còn Ấn Độ hay Pakistan thì người dân nước này lại tận dụng tốt lợi thế về quy mô kinh tế cùng nhân công giá rẻ.
Do đó, dù giá cao hơn nhưng năng suất lúa gạo của Thái Lan vẫn ở mức thấp so với Việt Nam. Sắp tới, sự gián đoạn trong nguồn cung phân bón thậm chí có thể khiến chỉ số này giảm sâu hơn nữa. David Beasley – giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) – gần đây cũng đã đưa ra cảnh báo về việc châu Á có khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng phân bón, dự báo sẽ gây thiệt hại vụ mùa lúa gạo trong khoảng thời gian một năm tới.
Hồng Nhung