Cùng với đậu đũa, dưa chuột là một trong những loại rau quả được liệt vào danh sách tồn dư hóa chất độc hại rất lớn. Nhưng vì lợi nhuận trước mắt, đa số người trồng dưa chuột đã phớt lờ những khuyến cáo...
Theo bà Nguyễn Thị Nhường, người trồng dưa chuột ở Hải Dương, dưa chuột là một trong những loại cây “ăn” nhiều thuốc trừ sâu và thuốc kích thích nhất. Khi cây bắt đầu đậu quả thì cứ 2 - 3 ngày lại phải phun thuốc 1 lần, càng gần đến ngày thu hoạch càng phun với mật độ dày đặc. Nước tưới thì có thể tuần tưới 1 lần, nhưng thuốc trừ sâu thì phải “dải” liên tục. Có khi hôm trước phun, hôm sau đã hái quả đem bán. Muốn quả đẹp, căng mọng, chỉ cần phun thuốc tăng trưởng vào dưa trước khi hái khoảng 1 đêm, sang hôm sau quả sẽ đẹp…
Bà Nhường cho chúng tôi xem một gói thuốc nhỏ hơn gói dầu gội đầu, vỏ bao bì in toàn chữ Trung Quốc, không hề có một dòng chỉ dẫn nào bằng tiếng Việt. “Ngoài thuốc trừ sâu, loại thuốc kích thích tăng trưởng này hầu như người trồng dưa chuột nào cũng dùng. Người ta có thể dễ dàng mua được ở các cửa hàng chuyên bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Giá khoảng 9.000 – 10.000 đồng/gói. Người mua hầu hết ưa hình thức nên phải dùng loại này để bắt mắt”, bà Nhường tiết lộ.
Thắc mắc: Có những người bán dưa chuột, vừa ngồi bán vừa cầm quả dưa không gọt vỏ “vô tư” ăn để chứng thực dưa của mình là dưa sạch, không phun thuốc trừ sâu?
Bà Nhường phân trần: “Đó là một kiểu “đánh lận con đen”! Trong giỏ của người bán luôn có một gói dưa khác, là loại dưa chuyên trồng để nhà ăn hoặc để “làm hàng”. Loại dưa này họ không sử dụng một loại thuốc BVTV hay thuốc tăng trưởng nào. Là loại rau quả sạch. Nếu quả dưa này được để chung với loại dưa bày bán thì người bán sẽ “đánh dấu” để chọn đúng quả đó cầm ăn” (?!).
Theo tìm hiểu, gói thuốc mà bà Nhường cung cấp là thuốc GA3 (tên khoa học là Giberellin). Từ trước đến nay, loại thuốc này có nhiều khả năng kích thích tăng trưởng cây, lá phát triển nhanh... Theo quy định, thuốc bán phải có thông tin bằng tiếng Việt. Việc bán thuốc toàn bằng tiếng Trung Quốc có thể là nhập lậu, theo đường tiểu ngạch nên khó kiểm soát độ an toàn. Theo thông tin trên nhãn thuốc cho thấy, độ tinh khiết chỉ 75%. Điều này đồng nghĩa, thuốc còn nhiều chất phụ gia trong quá trình sản xuất.
Theo một cán bộ ngành tài nguyên môi trường thì: Các loại thuốc BVTV, nhất là thuốc trừ sâu đa phần bền vững, lưu lại rất lâu trong môi trường. Nhưng đôi khi sự bền vững này lại được nhà nông mong muốn vì nó cung cấp hiệu quả kiểm soát sâu bệnh lâu dài và giảm số lần phun. Cũng chính từ nhận thức lệch lạc đó, đã gây hại cho con người, động thực vật khi tiếp xúc trực tiếp, đồng thời nó còn tích lũy trong đất, ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm nghiêm trọng.
Nếu ăn dưa chuột không rửa kỹ, không gọt vỏ dễ bị ngộ độc với các triệu chứng nôn mửa, chóng mặt đau đầu...
Thậm chí, có người ăn dưa sau khi đã cẩn thận ngâm rửa bằng các loại dung dịch mà vẫn bị ngộ độc.
Chị Lan(Mai Dịch) cho biết: “Cũng nghe báo đài nói nhiều rằng dưa chuột dù rửa sạch vẫn có khả năng bị ngộ độc. Nhưng “khuất mắt trông coi” không thấy người ta phun thì mình cứ dùng. Thường mua về tôi ngâm nước muối rồi gọt vỏ. Ngày nào cũng ăn, nhưng chưa thấy bị ngộ độc bao giờ”.
Bao giờ thì người Việt mới đủ sáng suốt để thực sự là “người tiêu dùng thông thái”?
Thanh Nguyên