Xác định chè là cây trồng tiềm năng, chủ lực, những năm qua, Thái Nguyên tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển ngành Chè, định hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, đẩy mạnh chế biến, vừa nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã ban hành, triển khai các đề án phát triển chè bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên; Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nhiều chính sách được ban hành và triển khai có hiệu quả như: Hỗ trợ phân bón hữu cơ, sinh học; hỗ trợ chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và thiết bị trong sơ chế, chế biến chè; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu, kết nối quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm trà…
Hiện nay, Thái Nguyên là một trog những địa phương có diện tích, sản lượng chè dẫn đầu cả nước. Tỉnh đã xây dựng được vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi với quy mô gần 22.500ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 267,5 nghìn tấn/năm; giá trị sản phẩm trà đạt 12,3 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp, 163 hợp tác xã (HTX), 251 làng nghề truyền thống, với trên 91.000 hộ chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao.
Để phát triển bền vững vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng chè, giá trị sản phẩm trà, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chế biến chè an toàn gắn với chuyển đổi số để quản lý, truy xuất nguồn gốc và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Việc chuyển đổi cơ cấu giống chè được đẩy mạnh theo hướng trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè giống cũ, già cỗi, năng suất, chất lượng thấp. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng mới, trồng lại trên 500ha chè, nâng tổng diện tích chè giống mới đến nay đạt 18.376ha, chiếm 82,7% diện tích chè toàn tỉnh.
Trong 5 năm trở lại đây, diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn cũng tăng nhanh. Hiện, toàn tỉnh có 5.148ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (trong đó chứng nhận VietGAP là 5.068ha, hữu cơ là 80ha), chiếm gần 23% diện tích chè toàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng, huyện Đại Từ chia sẻ: "Với sự hỗ trợ của ngành chức năng và địa phương, chúng tôi đã liên kết sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ quy mô 37ha, trong đó có 20ha chè VietGAP, 10ha chè hữu cơ và đang chuyển đổi thêm 7ha chè hữu cơ để tăng quy mô sản xuất. HTX thực hiện dự án chuỗi liên kết mang lại kết quả tốt, hiệu quả hơn, nâng cao được vai trò, ý thức của bà con trong sản xuất chè theo hướng sạch và an toàn, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và đời sống kinh tế của bà con nông dân".
Tại những vùng chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, người dân đã được tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn xây dựng, thiết lập đề nghị cấp mã số vùng trồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện hướng dẫn, quản lý, giám sát 45 mã vùng trồng chè gắn định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tuân thủ tốt các tiêu chí theo quy định. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, HTX chè tích cực liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 151 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao. Đặc biệt, sản phẩm chè tôm nõn của HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên đã đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Với quy mô diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước, cùng các vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi chất lượng cao và những chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư, tỉnh Thái Nguyên hoàn toàn đủ điều kiện và là cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư chế biến chè, tiêu thụ sản phẩm trà Thái Nguyên, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc HTX Tuyết Hương, huyện Đồng Hỷ cho hay: “Chúng tôi kỳ vọng rất lớn và luôn sẵn sàng về nguyên liệu, thiết bị, nhân lực có kinh nghiệm chế biến chè để đáp ứng đơn hàng của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước”.
Để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của cây chè, trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát triển ngành Chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững, với những sản phẩm trà truyền thống chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong canh tác chè an toàn; coi trọng phát triển chế biến công nghệ cao, công nghệ bảo quản sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; tăng cường thu hút hợp tác, liên kết trong nghiên cứu ứng dụng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trà Thái Nguyên.
Trần Huyền