Để khẳng định thương hiệu chè Thái Nguyên, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chè trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất. Cụ thể, năm 2020, Công ty Cổ phẩn trà Việt Thái, Công ty Cổ phần NTEA Thái Nguyên và Hợp tác xã chè An Toàn Khe Cốc… là những điển hình tiêu biểu khi đã quyết định đầu tư, ứng dụng các thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại để sản xuất và chế biến chè.
Để khẳng định thương hiệu chè Thái Nguyên, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chè trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất
Để hỗ trợ các đơn vị nói trên, TTKC Thái Nguyên đã quyết định phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng của các địa phương liên quan thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến chè” cho các đơn vị này.
Đối với Công ty Cổ phẩn trà Việt Thái (xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), TTKC Thái Nguyên đang hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, mua mới 3 hệ thống gồm: Máy đóng gói hút chân không Model AA-1308, máy xào gas Model DM30 và máy đóng gói trà tự động Model MPA-215 với tổng số tiền trên 300 triệu đồng. Những hệ thống máy móc này đều có nhiều ưu điểm như: Đóng gói được các sản phẩm chè có khối lượng lớn đến 30kg; Có thể đóng nhiều loại túi có trọng lượng, kích thước khác nhau theo nhu cầu của khách hàng và thời gian bảo quản sản phẩm lên đến 2 năm.
Còn đối với máy xào gas có thể điều chỉnh nhiệt độ nhanh, kịp thời, thân thiện với môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm do hạn chế được khói, bụi, gỉ sét gây ra; Năng suất tăng lên nhiều lần so với các loại máy xào truyền thống; Thời gian sử dụng đạt trên 10 năm. Đặc biệt, sản phẩm chè làm ra và khi được sử dụng, nước chè sẽ xanh, trong và thơm hơn rất nhiều so với trước đây.
Từ sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công, đến nay, Công ty Cổ phẩn trà Việt Thái đang dần hoàn thiện hệ thống máy móc sản xuất chè. Việc Công ty ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất sẽ giúp tiết kiệm điện năng trong quá trình sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, làm tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm làm ra. Từ đó, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường cũng sẽ được nâng lên, cũng như tạo điều kiện giảm giá thành và từng bước gia tăng các đơn hàng có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, việc trang bị máy móc mới, đơn vị sẽ nâng cao được tính chủ động trong khâu sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương và tăng khả năng đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, nhiều cơ sở chế biến chè trong và ngoài tỉnh sẽ tiếp tục đến học tập và áp dụng công nghệ này vào sản xuất. Do vậy, đề án được nhận định là có tính bền vững cao.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Thái Nguyên cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, xây dựng và phát triển thương hiệu; cung cấp thông tin thị trường và kết nối cung - cầu hàng hóa; triển khai website giới thiệu sản phẩm chè tích hợp với truy xuất nguồn gốc… Từ đó, quảng bá rộng rãi sản phẩm, giúp các làng nghề trên địa bàn tỉnh mở rộng đầu ra. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm tạo quỹ đất và mặt bằng sản xuất cho các, doanh nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
Hoạt động khuyến công đã và đang phát huy tác dụng là động lực mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn ổn định sản xuất, phát triển; tiếp tục nâng cao vị thế, khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
H.T