Trong năm vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công Thương Phú Thọ đã hoàn thành 2 đề án khuyến công quốc gia, trong đó có đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho 5 doanh nghiệp (DN) sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu; thực hiện 11 đề án khuyến công địa phương, trong đó hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho 2 cơ sở CNNT sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu và đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất cho 9 cơ sở sản xuất.
hỗ trợ máy móc thiết bị cho các doanh nghiệp sản xuất ván gỗ ép
Đây là những nội dung trọng điểm, tác động trực tiếp tới năng lực sản xuất của các cơ sở CNNT, do vậy không chỉ được khuyến công Phú Thọ ưu tiên dành nguồn kinh phí mà còn được huy động và kết hợp mọi nguồn lực có thể cho triển khai. Các đề án đã được tập trung vào những ngành nghề thế mạnh của tỉnh.
Cùng đó, trung tâm cũng hỗ trợ và tư vấn kiểm toán năng lượng cho 8 DN; xây dựng mô hình quản lý năng lượng 2 DN; tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt về miền núi; hỗ trợ xây dựng thiết kế 26 mẫu bao bì sản phẩm; xây dựng website thương mại điện tử cho 6 DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh…
Theo ghi nhận từ đối tượng thụ hưởng, các đề án triển khai đã đạt hiệu quả kép khi vừa giúp DN, cơ sở CNNT cải thiện năng lực và quy mô sản xuất, vừa giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm.
Kết quả đã đạt được trong năm vừa qua là nền tảng cho khuyến công Phú Thọ triển khai thực hiện và hoàn thành nốt các mục tiêu kế hoạch của năm 2020. Cụ thể, trung tâm sẽ triển khai 1 đề án nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT; 1 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới, áp dụng công nghệ mới và 10 đề án hỗ trợ dự án đầu tư mới; đầu tư mở rộng sản xuất cho 15 - 20 DN. Các đề án thuộc nội dung này chủ yếu thực hiện trong lĩnh vực chế biến chè và gỗ.
Ngoài ra, trung tâm cũng sẽ thực hiện 4 đề án hỗ trợ, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; hỗ trợ tư vấn về sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng…
Để thực hiện các nhiệm vụ này, UBND tỉnh Phú Thọ đã bố trí 3,8 tỷ đồng cho trung tâm thực hiện các chương trình, đề án. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này còn thấp so với nhu cầu của các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Do vậy, Sở Công Thương sẽ lồng ghép khuyến công với chương trình mục tiêu quốc gia khác để huy động thêm nguồn lực cho triển khai.
UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi, giúp công tác khuyến công hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện, kiểm tra việc thực hiện, quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công Thương thông báo, hướng dẫn cho các đối tượng được hỗ trợ lập hồ sơ, thủ tục và thực hiện công tác thanh quyết toán theo quy định; kiểm tra việc sử dụng vốn khuyến công của các đối tượng được hỗ trợ, nếu phát hiện thấy sử dụng không đúng mục đích thì ngừng cấp kinh phí và báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý; thực hiện quyết toán theo quy định hiện hành; tổng hợp kết quả báo cáo Sở Công Thương, Sở Tài chính và cơ quan liên quan theo quy định.
Sở Tài Chính chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương tổng hợp cân đối nguồn kinh phí khuyến công trong dự toán ngân sách hàng năm, báo cáo UBND tỉnh quyết định; có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và quyết toán kinh phí sự nghiệp khuyến công theo quy định.
UBND các huyện, thành phố, thị trấn hướng dẫn đơn vị, cơ sở CNNT trong phạm vi quản lý của mình xây dựng kế hoạch hỗ trợ; xem xét, có ý kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình đối với hồ sơ đề nghị hỗ trợ; tổng hợp, đề xuất kế hoạch hỗ trợ hàng năm. Các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ kinh phí thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm sử dụng kinh phí khuyến công được hỗ trợ đúng mục đích, nội dung theo quy định.
Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch khuyến công Phú Thọ năm 2019 - 2020 khoảng 7,4 tỷ đồng, thông qua các chương trình, đề án, nguồn vốn này là động lực giúp ngành CNNT của tỉnh đạt mức tăng trưởng 15%/năm.
PV