Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Ninh, tính riêng trong năm 2019, tổng kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công tỉnh đạt gần 6,7 tỷ đồng; trong đó có 3,9 tỷ đồng dành cho việc thực hiện chương trình hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho 19 cơ sở CNNT. Bên cạnh đó, địa phương đã tổ chức 4 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 240 lao động, bằng phương thức cầm tay chỉ việc, trực tiếp hướng dẫn một cách trực quan sinh động. Khi khóa học kết thúc các lao động có trình độ tay nghề tốt, đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu công việc. Hoạt động đào tạo nghề, nâng cao tay nghề được triển khai chủ yếu với hình thức đào tạo ngắn hạn tại chỗ và xây dựng thành chuỗi hoạt động theo quy trình khép kín từ khởi sự doanh nghiệp (DN), vận hành đến xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

Đánh giá của nhiều doanh nghiệp, các chương trình khuyến công đã được đưa vào thực tiễn hiệu quả, trở thành người bạn đồng hành với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn. Từ đó, nhận thức của đơn vị sản xuất về chương trình khuyến công cũng được nâng lên đáng kể.

Công tác khuyến công đã khẳng định được vai trò quan trọng trong phát triển CNNTCông tác khuyến công đã khẳng định được vai trò quan trọng trong phát triển CNNT

Theo Sở Công Thương Bắc Ninh, hoạt động hỗ trợ của địa phương đã bám sát chương trình khuyến công ở từng giai đoạn; phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp cận của đơn vị sản xuất. Trong đó, nhiều chương trình đã cho kết quả nổi bật, như: Xây dựng mô hình trình diễn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho cơ sở sản xuất; hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Các chương trình khuyến công thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhiều doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sự phát triển ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng toàn diện, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Tại Đắk Nông, nguồn vốn khuyến thời gian qua đã giúp cho nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời kịp thời khuyến khích, hỗ trợ cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo Sở Công Thương Đắk Nông, kế hoạch khuyến công năm 2019 đã được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Nông phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện hoàn thành 13/13 đề án, đạt 100% kế hoạch được giao với tổng kinh phí thực hiện 7.231 triệu đồng. Trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 3.407 triệu đồng, nguồn vốn huy động của các cơ sở công nghiệp nông thôn trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp là 3.824 triệu đồng.

Phần lớn nguồn vốn tập trung hỗ trợ cho các nội dung như: Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến hạt điều, cà phê, cơ khí tiêu dùng, chế biến mắc ca, mộc dân dụng, hồ tiêu, cửa nhôm và nhựa… Trong đó, hầu hết các đơn vị thụ hưởng là những doanh nghiệp mới thành lập hoặc mới phát triển lên doanh nghiệp từ các hộ kinh doanh cá thể đang thiếu vốn để đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ mới, phát triển sản xuất…

Đơn cử, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Đất Việt Window, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) đã được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công quốc gia để mua sắm 2 máy móc, thiết bị mới, gồm: 1 máy ép góc cửa nhôm, 1 máy dập khóa xingfa 22 dao. Từ đó, tạo cơ sở ban đầu cho doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm cửa các loại đạt chất lượng, chuẩn về mẫu mã. nguồn vốn hỗ trợ này đã giúp DN đạt công suất sản xuất lên 200 góc cửa/giờ và 160 ổ khóa/giờ. Hoạt động này cũng góp phần tạo giúp sản phẩm của DN đạt chất lượng như ý muốn, giảm chi phí đầu vào, có được giá thành tốt nhất khi đưa ra thị trường…

Thời gian tới, nguồn vốn khuyến công sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất cho các cơ sở CNNT; đẩy mạnh xây dựng các mô hình điểm. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở này và hiệu quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Châu An