Thời gian qua, Sở Công Thương - Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp tỉnh Nghệ An đã tổ chức, tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm và coi thương hiệu là một trong các yếu tố quan trọng góp phần duy trì, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp.
Để hỗ trợ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2017 - 2020. Đến nay, đã có nhiều sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc và được cấp nhãn hiệu tập thể, như: 1 chỉ dẫn địa lý cam Vinh; 2 chứng nhận nhãn hiệu; 23 nhãn hiệu tập thể. Toàn tỉnh hiện có 1.037 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 11 giải pháp hữu ích và 12 sáng chế, 59 kiểu dáng, 955 nhãn hiệu.
Năm 2019, tăng 76 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 70 nhãn hiệu, 2 kiểu dáng, 2 giải pháp hữu ích và 2 sáng chế. Trong số văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tỉnh, đối tượng bảo hộ quyền nhãn hiệu chiếm đa số, với 955 nhãn hiệu, chiếm 92%. Nhiều sản phẩm làng nghề nổi tiếng đã được bảo hộ và phát triển tốt; các sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm của Nghệ An…
Thương hiệu là chìa khóa vàng, là con đường ngắn nhất để các sản phẩm, hàng hóa của DN tiếp cận được với khách hàng, chiếm lĩnh thị trường
Thương hiệu là chìa khóa vàng, là con đường ngắn nhất để các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tiếp cận được với khách hàng, chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) có quy mô nhỏ, còn hạn chế nên rất khó xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm của mình.
Tại các làng nghề, cơ sở sản xuất CNNT có những sản phẩm khá giống nhau. Vì vậy, để tạo định vị cho riêng một sản phẩm, phải có rất nhiều điểm riêng biệt thì mới tạo ra sự khác biệt so các sản phẩm khác. Doanh nghiệp phải biết được quy trình và có một đội ngũ chuyên nghiệp để thiết kế, thực hiện xây dựng các yêu cầu và quá trình quảng bá, xử lý các tranh chấp thương hiệu… Đặc biệt, doanh nghiệp phải đảm bảo hàng hóa đúng với quảng cáo để giữ uy tín, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng thương hiệu phải đảm bảo chất lượng đúng như quảng cáo, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đạt tiêu chuẩn chung của khu vực và thế giới, đảm bảo cho khách hàng yên tâm khi mua được sản phẩm. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp xây dựng hình ảnh, thương hiệu của mình; thực hiện tốt việc đăng ký, bảo hộ cũng như quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có chính sách khuyến mại, chính sách bảo hộ thương hiệu, có đội ngũ nhân viên để cập nhật thị trường; nắm bắt xem có tình trạng làm hàng giả, hàng nhái, để kết hợp với các cơ quan chức năng xử lý, từ đó đưa ra các biện pháp cần thiết để thông báo cho khách hàng...
Trong quá trình xây dựng thương hiệu, các cơ quan chức năng cần có sự hỗ trợ đối với doanh nghiệp. Theo đó, phải có một quy trình thương hiệu và bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp. Giảm các chi phí đăng ký bảo hộ thương hiệu để giúp các doanh nghiệp giảm các chi phí xây dựng thương hiệu.
Nhà nước cần phối hợp với các nước khác để hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài; đứng đằng sau các doanh nghiệp khuyến khích phát triển các dịch vụ hỗ trợ tư pháp để giúp các doanh nghiệp xử lý tốt các tranh chấp trong quá trình bảo vệ thương hiệu của mình ở trong nước, cũng như ngoài nước…
Anh Minh