Năm 2014, chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước là 782.700 tỷ đồng, thấp hơn so với năm 2013, bởi năm nay được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn. Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, ngành thuế đề ra nhiệm vụ trọng tâm đó là chống thất thu thuế.
Trắng trợn trốn thuế
TP. HCM là một trong những địa phương có số lượng DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký hoạt động nhiều nhất cả nước và cũng là địa phương có số lượng DN FDI trốn thuế nhiều nhất. Hầu hết các DN này chỉ hoạt động một thời gian sau là tìm cách chuyển nhượng. Trong năm 2013, ngành thuế TP. HCM đã tiến hành thanh kiểm tra giá chuyển nhượng của 33 DN FDI, truy thu và phạt 77 tỷ đồng, giảm lỗ 537 tỷ đồng.
Song, thực tế con số chắc chắn lớn hơn rất nhiều bởi ngày càng có nhiều DN FDI chuyển nhượng một cách tinh vi, trong khi đó, lực lượng thanh tra chuyên trách về chống chuyển giá quá mỏng và thiếu cán bộ có kinh nghiệm về lĩnh vực này. Vì vậy, có những DN FDI trốn thuế suốt thời gian dài mới bị phanh phui.
Điển hình là Coca Cola, Metro, Milano, Keangnam Vina… Thậm chí, vừa qua “ông lớn” Liên doanh Malaysia - Đài Loan - British Virgin Island (Công ty Hualon Corporation là “con đẻ”) đã có thâm niên báo lỗ ở Việt Nam tới gần 20 năm mới bị phát hiện. Điều đáng nói ở đây, công ty này đã thản nhiên nâng khống giá dây chuyền thiết bị từ trị giá 400 USD lên tới… 16 triệu USD - một con số khủng khiếp và mang tính chất giả dối một cách trắng trợn.
Câu hỏi đặt ra là tại sao các DN này lại dễ dàng trốn thuế, trong khi chúng ta có cả một bộ máy công quyền chuyên trách kiểm tra? Phải chăng, do chúng ta chưa có luật định cụ thể về chống chuyển giá hay do luật còn lỏng lẻo?
Luật sư Phan Phương Nam (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết: Hiện nay, các DN FDI đầu tư vào Việt Nam đến từ các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... chiếm tỷ lệ cao. Họ làm ăn với nhau chủ yếu bằng thực hiện hành vi chuyển giá theo chiều ngang, nghĩa là giữa các công ty hoàn toàn độc lập mà không phải theo quan hệ mẹ - con. Chỉ cần bỏ ra 20.000 – 30.000 USD, một DN FDI dễ dàng được tư vấn để lách thuế.
Thực trạng trốn thuế của các DN FDI không chỉ diễn ra ở nước ta, mà các nước lớn trên thế giới cũng đau đầu với vấn nạn này. Tuy nhiên, với lợi thế là DN trong tập đoàn đa quốc gia, các công ty con dễ dàng thực hiện hành vi chuyển giá. Một yếu tố quan trọng khiến các DN FDI có hành vi trốn thuế bắt nguồn từ cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cơ chế xin – cho đã mở đường cho các nhà đầu tư nước ngoài từ chỗ được ưu đãi giảm thuế đến chuyển sang hành vi trốn thuế. Hầu hết các DN FDI vào Việt Nam đều có tâm lý chung là làm sao phải lách được thuế.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Với con số xấp xỉ 22 tỷ USD vốn trong năm 2013, FDI đang trở thành “điểm sáng” trong bức tranh khá ảm đạm của kinh tế Việt Nam. Nhưng FDI có thực sự là “phao cứu sinh” hay không khi mà ngày càng nhiều DN FDI bị vạch trần hành vi chuyển giá, trốn thuế, không chỉ gây sự bức xúc trong dư luận mà còn tạo ra tâm lý bất an đối với DN trong nước, bởi rõ ràng, phải được ưu ái thế nào các DN FDI mới liên tục làm mưa làm gió như vậy?
Câu chuyện chuyển giá, trốn thuế của các DN FDI không còn mới, song với thực tế có tới hơn 500 DN FDI báo lỗ nặng, nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu cao. Mỗi ngày lại có một sự vụ chuyển giá "khủng” hơn buộc người ta phải đặt câu hỏi: “Nếu liên tục khai lỗ, doanh nghiệp FDI đến Việt Nam làm gì?” .
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng: “Hiện nay chúng ta không quản lý tốt nên mới có nghi vấn các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giá ra nước ngoài chứ không phải người ta lỗ”.
Ngoài việc gây thất thu ngân sách nhà nước, chuyển giá còn khiến nhiều DN trong nước chịu sự bất công và cả những cái nhìn không thiện cảm đối với các DN FDI làm ăn chân chính. TS. Vũ Đình Ánh lên tiếng: Chuyển giá đối với máy móc thiết bị tạo tài sản cố định cho DN FDI, một mặt còn tạo ra "giá trị ảo” cho tài sản cố định, "thổi phồng” phần vốn góp của phía nước ngoài, làm méo mó bức tranh thực tế về vốn FDI. DN FDI có thể không quan tâm khai thác yếu tố đầu vào từ thị trường trong nước, dẫn tới không kéo DN trong nước phát triển mà còn chèn ép, lất át DN nội. Do tác động chuyển giá mà 2 mục tiêu quan trọng nhất trong thu hút FDI là vốn và công nghệ đều bị ảnh hưởng.
Phải có người chịu trách nhiệm về vấn đề này, không thể cứ để tình trạng đó mãi tiếp diễn khiến ngân sách nhà nước thất thu. “Chắc chắn khâu kiểm tra, giám sát đã bị bỏ qua. Cần phải thấy rõ, ở đây có cả sự tiếp tay của những nhà làm quản lý trong cách hành xử quá dễ dãi của mình”, một chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm.
Như vậy, rõ ràng, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về những người làm quản lý. Thế nhưng, ngay cả Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng dù biểu hiện của chuyển giá là rõ ràng, nhưng cơ quan thuế không đủ cơ sở xem xét, xử lý. Điều này cũng được ngay cả Tổng cục Thuế thừa nhận. Đã đến lúc cần phải phân định rõ trách nhiệm của một bộ phận để thực trạng này kéo dài và chưa thấy hồi kết.
Nhiều chuyên gia nêu chính kiến, theo kinh nghiệm của các nước phát triển, việc chống chuyển giá không thể thực hiện riêng lẻ ở mỗi nước, mà phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia liên quan. Giải pháp căn bản và lâu dài đòi hỏi Việt Nam phải có hiệp định chung với các nước trong khu vực và thế giới về chống chuyển giá. Luật Quản lý thuế cần cho phép sử dụng nguồn thông tin do cơ quan thuế nước ngoài cung cấp làm căn cứ pháp lý để truy thu thuế đối với DN nước ngoài đầu tư ở Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài: Hiện tượng chuyển giá là một hiện tượng bình thường của cơ chế thị trường. Điều đáng tiếc ở đây là nhà quản lý quá sao lãng trong việc kiểm tra, giám sát. Nếu kiểm tra thường xuyên thì sẽ không có một kết cục như ngày hôm nay: quá nhiều DN vi phạm. |
Hoàng Hà