Theo kết quả kiểm phiếu, ông Emmanuel Macron đã chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Pháp với 66,06% số phiếu bầu so với tỷ lệ 33,94% của đối thủ, bà Marine Le Pen, Reuters đưa tin.
Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve đã lên tiếng xác nhận ông Macron giành thắng lợi trong cuộc bầu cử và sẽ trở thành tân tổng thống trẻ nhất lịch sử nước Pháp.
AFP dẫn thông tin từ đội ngũ tranh cử của ông Macron cho biết sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố, ông Macron và bà Le Pen đã có một cuộc điện thoại "ngắn gọn và thân mật". Bà Le Pen chúc ông Macron "thành công" khi xử lý "những thách thức khổng lồ" trong tương lai.
Trả lời AFP, ông Macron khẳng định chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử tổng thống mở ra "hy vọng" và "một chương mới" cho nước Pháp. "Một chương mới trong lịch sử dài lâu của chúng ta bắt đầu từ tối nay. Tôi mong nó sẽ mang tới hy vọng và niềm tin mới", ông Macron nói.
Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng vợ trong lễ mừng chiến thắng
Lễ chuyển giao này hứa hẹn sẽ suôn sẻ vì ngay sau khi truyền thông đưa kết quả phiếu bầu, người thua cuộc là bà Marine Le Pen, ứng viên của Mặt Trận Quốc Gia đã thừa nhận thất bại trước những người ủng hộ đồng thời gửi lời chúc mừng tới ông Macron.
Emmanuel Macron, 39 tuổi, là lãnh đạo đảng Tiến lên (En Marche). Đảng này chỉ mới được ông thành lập từ tháng 4 năm ngoái. Ông Macron từng đảm nhận vai trò bộ trưởng kinh tế trong chính quyền tổng thống Pháp Francois Hollande và có thời gian làm thanh tra tài chính và chuyên viên ngân hàng đầu tư Rothschild & Cie.
Ông Macron có quan điểm mở cửa với người tị nạn, chủ trương tăng ngân sách quốc phòng và cam kết duy trì mối quan hệ giữa Pháp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Sau khi từ chức bộ trưởng kinh tế hồi năm ngoái, ông Macron tuyên bố mình đã "tự tay chạm tới giới hạn của hệ thống chính quyền". Bắt đầu từ đây, ông khởi động cuộc chạy đua tới Điện Elysee.
Chiến dịch tranh cử của ông Macron đưa ra lời hứa hẹn về một cuộc cải cách hệ thống phúc lợi và hưu trí ở Pháp. Ông đã nêu kế hoạch thực hiện hàng loạt biện pháp có lợi cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy nền kinh tế đất nước nếu đắc cử.
Ông Macron cam kết cắt giảm thuế doanh nghiệp dần xuống mức 25% từ mức hiện tại là 33%. Ông cũng muốn hạ thấp các loại thuế nhà đất địa phương cho phần lớn người dân Pháp.
Ngoài ra, ông Macron còn là một tiếng nói chống chủ nghĩa khủng bố mạnh mẽ, đề cao pháp quyền. Ông muốn thuê thêm nhiều cảnh sát hơn nữa để đảm bảo an ninh, an toàn cho cuộc sống người dân trước bối cảnh Pháp thời gian gần đây liên tục trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố.
Trước vòng bầu cử thứ hai có tính chất quyết định, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều tuyên bố ủng hộ ông Macron.
Vui mừng nhất có lẽ là các lãnh đạo châu Âu. Trước đó, nhiều nước châu Âu đã bày tỏ lo ngại việc bà Le Pen sẽ đắc cử Tổng thống Pháp. Nếu nhà lãnh đạo cực hữu này lên nắm quyền thì nhiều khả năng nước Pháp sẽ rời châu Âu, gây xáo trộn cho nền kinh tế của lục địa. Bên cạnh đó, các chính sách bị cho là cực đoan của bà Le Pen có thể khiến an ninh châu Âu bị đe dọa.
Đức Anh (tổng hợp)