ESG sẽ có tác động như thế nào đến các doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?
ESG mang đến phương thức kinh doanh mới, cơ hội mới và điều này yêu cầu các doanh nghiệp phải chuyển đổi. Việc này đi cùng và gắn với quản trị, kinh doanh theo tư duy truyền thống từ trước đến nay đã không còn là sự lựa chọn tối ưu.
Ngày nay, các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi tư duy một cách toàn hệ thống. Ví dụ, về môi trường, xã hội, quản trị đương đại, quản trị chiến lược, quản trị phát triển bền vững là những vấn đề cần phải được đưa vào trong quá trình chuyển đổi này. Doanh nghiệp có quan tâm đến môi trường hay không? Có chú trọng đến xã hội, quan hệ lao động hay không? Doanh nghiệp có hệ thống quản trị doanh nghiệp một cách bền vững hay không? Tất cả những yêu cầu đó là những vấn đề hết sức quan trọng.
Hay về quan hệ lao động, xã hội là những vấn đề luôn đặt ra thách thức đối với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Trên các bình diện khác nhau, vị trí địa lý khác nhau thì vấn đề quản trị lao động, quan hệ lao động, duy trì mối quan hệ lao động hài hoà cũng rất quan trọng.
Thực tế, chúng ta đang gặp những thách thức nhưng cũng là cơ hội từ biến đổi khí hậu. Vậy, vai trò của doanh nghiệp sẽ như thế nào trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thưa ông?
Biến đổi khí hậu nếu chúng ta chỉ nhìn nó là thách thức thì hết sức sai lầm. Biến đổi khí hậu đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Vì có biến đổi khí hậu thì doanh nghiệp phải đổi mới tư duy, chuyển đổi hệ thống để sáng tạo ra mô hình kinh doanh, đem lại lợi ích cho mình đó chính là những cơ hội kinh doanh từ kinh tế tuần hoàn.
Theo ước tính của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững của thế giới, mỗi năm kinh tế tuần hoàn mang lại khoảng 4,5 nghìn nghìn tỷ USD, và tạo ra hàng triệu mô hình kinh doanh mới. Điều này đi cùng với việc tạo ra hàng chục triệu cơ hội việc làm mới. Như vậy, kinh tế tuần hoàn là rất ưu việt, giải quyết được việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên nhưng lại tạo ra nhiều lợi ích, sản phẩm hơn cho xã hội. Nếu doanh nghiệp chớp được cơ hội này thì sẽ phát triển rực rỡ và bền vững trong tương lai.
Thời gian gần đây, các vấn đề về quản trị bền vững của doanh nghiệp, xã hội, môi trường là những vấn đề hết sức đương đại. Những doanh nghiệp nào muốn không bị bỏ lại phía sau thì cần phải chuyển đổi tư duy và nắm bắt lại được các vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam từ những cơ hội cũng như thách thức này?
Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm bắt được những cơ hội này. Có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký trên thị trường chứng khoán nhưng cũng chưa thực sự đưa quản trị bền vững một cách bài bản, chưa đưa vấn đề ESG vào trong chiến lược kinh doanh của mình.
VCCI trong hàng chục năm qua đã liên tục phối hợp với các cơ quan, đối tác trong nước và nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững thông qua bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững. Thời gian tới, VCCI sẽ giới thiệu bộ chỉ số khu công nghiệp bền vững và hàng loạt những hoạt động truyền thông cũng như xây dựng năng lực cho doanh nghiệp; đồng thời, tập trung vào những hoạt động như vậy để có những chương trình hành động, tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ông có nói đến xây dựng các khu công nghiệp bền vững. Vậy, hiện nay trong lộ trình chúng ta đã có những chính sách như thế nào để thúc đẩy mô hình này phát triển?
Trước tiên, VCCI sẽ làm việc với các chuyên gia trong nước và nước ngoài, các bộ, ngành để xây dựng bộ chỉ số khu công nghiệp bền vững. Bước thứ hai là giới thiệu bộ chỉ số đến các khu công nghiệp tại 63 tỉnh, thành.
Chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp có thể tham gia vào cùng với VCCI, các bộ, ngành liên quan để chúng tôi có thể tổ chức những khoá tập huấn cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện bộ chỉ số trong những chỉ số thành phần trong bộ chỉ số khu công nghiệp của VCCI trong thời gian tới.
Còn với nhận thức của các doanh nghiệp đối với kinh tế tuần hoàn thì như thế nào, thưa ông?
Thực ra không có mô hình kinh tế tuần hoàn nào giống nhau. Kinh tế tuần hoàn ngành sản xuất khác với kinh tế tuần hoàn trong du lịch, dịch vụ. Nhưng vấn đề là tư duy về kinh tế tuần hoàn, và tư duy sáng tạo ra kinh tế tuần hoàn.
Mỗi doanh nghiệp phải tạo ra cho mình một mô hình kinh tế tuần hoàn để phục vụ tốt nhất cho hoạt động, mục đích kinh doanh với mục tiêu cố gắng bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dựng nguyên vật liệu tái tạo ít tác động đến môi trường nhất, nhưng mang lại nhiều giá trị nhất cho xã hội và người tiêu dùng.
Ông có thể chia sẻ về các khung chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiện nay?
Bộ luật về môi trường là sự tiến bộ rất lớn, ở trong đó có nêu những nền tảng để hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, để thời gian tới có thể khuyến khích các doanh nghiệp triển khai nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn hơn thi cần lưu ý hai vấn đề sau.
Thứ nhất, nghiên cứu các nước trong khu vực họ đã tạo ra hành lang pháp lý như thế nào để khuyến khích kinh tế tuần hoàn phát triển.
Thứ hai, nghiên cứu tại những nước phát triển, như Pháp, Đức, Phần Lan, Trung Quốc… để thời gian tới chúng ta nên có một bộ luật về kinh tế tuần hoàn. Thông qua đó các doanh nghiệp có được môi trường, điều kiện, minh bạch và ưu đãi hơn trong việc “thoả sức” sáng tạo ra mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần không chỉ cho sự phát triển của doanh nghiệp mình mà còn cho cả xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
(Đoàn Huế thực hiện)