Theo Báo cáo đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp Quốc (FAO) công bố vào năm 2020, trong vòng 30 năm (từ 1990 đến 2020), thế giới đã mất đi một diện tích rừng khổng lồ, lên đến 420 triệu ha. Mặc dù, tỷ lệ này đã giảm trong giai đoạn gần đây, nhưng tình trạng phá rừng vẫn được ước tính ở mức 10 triệu ha mỗi năm trong giai đoạn 2015 đến nay. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu mở rộng đất canh tác để sản xuất lương thực, thực phẩm và các sản phẩm khác, đã "nuốt chửng" 90% diện tích rừng. Thậm chí, một phần đáng kể diện tích rừng còn bị phá vì những lý do hợp pháp.

Trong khi đó, là một trong những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, EU lại đã và đang góp phần vào việc tàn phá rừng trên quy mô toàn cầu thông qua việc nhập khẩu hàng loạt các sản phẩm có liên quan. Với kim ngạch nhập khẩu lên đến 85 tỷ Euro mỗi năm, EU đang tiêu thụ một lượng lớn các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng bị phá hủy. Thêm vào đó, Ủy ban liên minh về biến đổi khí hậu (IPCC) đã đưa ra kết luận rằng phá rừng và suy thoái rừng chính là hai trong những tác nhân chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Điều này cho thấy mối đe dọa từ việc tàn phá rừng đang ngày càng lớn và đòi hỏi các hành động quyết liệt. Trong bối cảnh này, vai trò của EU trong việc bảo vệ rừng là vô cùng quan trọng và cấp bách.

Với nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng gây mất rừng và suy thoái rừng, bảo vệ môi trường bền vững, ngày 16/5/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quy định EUDR, có hiệu lực từ ngày 29/6/2023 và bắt đầu áp dụng sau 18 tháng kể từ ngày có hiệu lực (ngày 30/12/2024); riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thời gian áp dụng sau 24 tháng (ngày 30/6/2025).

Theo đó, EU sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng nông lâm sản bao gồm cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca-cao và đậu nành nếu các hoạt động trong chuỗi cung tại quốc gia sản xuất các sản phẩm này gây ra tình trạng mất rừng và suy thoái rừng (thời điểm tính từ sau ngày 31/12/2020). Đến nay, EU chưa có những hướng dẫn cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc thực thi.

EU sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng nông lâm sản ở quốc gia có tình trạng mất rừng
EU sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng nông lâm sản ở quốc gia có tình trạng mất rừng

Khu vực Tây Nguyên hiện được coi là nơi tập trung nhiều các mặt hàng xuất khẩu sang EU như gỗ, cà phê và cao su. Các nhà quản lý doanh nghiệp trong khu vực đang gặp nhiều khó khăn, những cản trở trong chuỗi cung ứng chưa được tháo gỡ khi “giờ G” đã cận kề.

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nơi đây có nhiều dân tộc thiểu số; trong quá trình di cư, di dân, có nhiều diện tích đất rừng mà người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. EUDR yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đồng nghĩa cây trồng trên đất canh tác phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc này sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và nguồn hàng hóa xuất khẩu. Nếu thực hiện EUDR, vấn đề đặt ra là phía EU cũng như các cơ quan quản lý trong nước có giải pháp hỗ trợ nào cho cộng đồng người dân khu vực dân tộc thiểu số này khi họ khai thác tại các vùng đất chưa có chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Chung quanh cây cà phê, cao su và gỗ sản xuất, những cây trồng phát triển kinh tế chủ lực của đồng bào Tây Nguyên, có nhiều ý kiến băn khoăn về chính sách nhập khẩu mới của EU, như diện tích canh tác lâu năm, hiện có nhiều tổ chức, hộ gia đình phát triển cà phê bền vững, trồng xen, nhất là cây rừng, thì ở mật độ bao nhiêu là phù hợp với quy định của EU ? Trong trường hợp này, cần có giải pháp cụ thể để tạo sinh kế cho những người đang canh tác trên mảnh đất đó và làm thế nào để các nông hộ, hộ tiểu điền không bị đánh bật khỏi chuỗi cung ứng.

Nói thêm về thách thức thực hiện EUDR ở Việt Nam, TS. Nguyễn Trung Kiên, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, yêu cầu của EUDR là truy xuất nguồn gốc hàng hóa nghiêm ngặt đến tận thửa đất, lô rừng nơi hàng hóa đó được sản xuất. 100% sản phẩm phải có định vị GPS/polygon đến từng mảnh vườn. Nhưng vùng sản xuất Việt Nam do diện tích có định vị thấp, chi phí định vị cao, quy mô nhỏ lẻ, manh mún; chuỗi giá trị phức tạp với nhiều lớp trung gian.

Ngành cao su tiên phong đáp ứng Quy định của EU về chống mất rừng
Ngành cao su tiên phong đáp ứng Quy định của EU về chống mất rừng

Bên cạnh đó, EUDR yêu cầu theo dõi diễn biến mất rừng bằng công cụ viễn thám, cà phê sản xuất trên đất gây mất rừng sau ngày 31/12/2020 không được thông quan, nhưng chúng ta lại chưa rõ về nền bản đồ rừng tham chiếu phản ánh đúng thực trạng vào mốc 31/12/2020. Những vùng đã chuyển sang trồng cà phê trước năm 2020 chưa thể hiện trên nền bản đồ rừng, một số chưa trùng khớp giữa bản đồ rừng và địa chính.

“Chúng ta chưa có cơ chế, biện pháp phản hồi thông tin minh bạch, hoặc biện pháp hỗ trợ nông hộ nguy cơ cao không xâm lấn rừng và tham gia trồng phục hồi rừng. Chưa có đánh giá tổng thể về nguy cơ xã hội và thử nghiệm giải pháp can thiệp”, TS. Kiên nêu thực trạng.

Đưa ra các giải pháp, mới đây, Cục Lâm nghiệp đã xây dựng tài liệu hướng dẫn tạm thời cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu thực hiện thí điểm tại một số tỉnh phía bắc, ban hành kèm theo Quyết định số 2260/QĐ-BNN-LN. Sau khi kết thúc thí điểm, sẽ đánh giá và nhân rộng cấp mã số vùng trồng trên toàn quốc. Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp khẳng định tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các bên liên quan rà soát mức độ sẵn sàng thực hiện EUDR của ngành gỗ; đồng thời, liên tục cập nhật và cung cấp những thông tin kịp thời và thực tế hỗ trợ cho các kế hoạch hành động theo các yêu cầu của quy định EUDR cho các doanh nghiệp và đơn vị liên quan.

Hiện nay, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản đã phối hợp với Cục Lâm nghiệp và các đối tác liên quan lựa chọn 6 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ và sản phẩm của gỗ sang EU, doanh nghiệp nguyên liệu trong chuỗi cung ứng gỗ xuất khẩu sang EU để khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định khoảng trống mà doanh nghiệp cần thực hiện để đáp ứng yêu cầu EUDR. Sau khi khảo sát và xây dựng tài liệu hướng dẫn, các cơ quan liên quan sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý, thu thập thông tin, đánh giá rủi ro, các biện pháp giảm thiểu rủi ro theo quy định của EUDR.

Trong thời gian tới, Cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn kỹ thuật tạm thời thích ứng với EUDR cho ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ để hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đáp ứng được quy định về chống phá rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu…

Thiên Trường (t/h)